Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

“PHI CHÍNH TRỊ HÓA QUÂN ĐỘI” - LUẬN ĐIỂM PHẢN KHOA HỌC, PHẢN ĐỘNG

Các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá Việt Nam; chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chuyển hóa về chính trị đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong chiến lược “phá hoại nhiều mặt” hay “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch bao giờ cũng tập trung chống phá quân đội. Sự chống phá của các thế lực thù địch đối với quân đội trên nhiều mặt, với nhiều nội dung, trong đó chống phá về chính trị được đặt lên trước và là một nội dung trọng tâm, trọng điểm.
1. Trong nhiều năm nay, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền, cổ súy cho việc chuyển giao quân đội về nhà nước, để nhà nước quản lý quân đội. Thực chất của quan điểm này của chúng là tước bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.
2. Các thế lực thù địch đã và đang rêu rao cái gọi là “quân đội của quốc gia”, “quân đội mang tính dân tộc”. Chúng thực hiện việc rao giảng vấn đề này bằng lối triết tự theo cách ngụy biện rằng, tên gọi Quân đội nhân dân Việt Nam đã xác lập danh tính quân đội là của quốc gia Việt Nam, do đó quân đội mang tính dân tộc. Thực chất của quan điểm này là phủ định nguyên lý và làm “lu mờ” bản chất giai cấp của quân đội, xóa bỏ bản chất giai cấp công nhân của Quân đội ta.
 3. “Quân đội nhà nghề” - đó là sự “mong muốn” của các thế lực thù địch đối với quá trình xây dựng, phát triển của Quân đội ta. Ẩn ý đằng sau cổ súy cho quân đội nhà nghề là sự mong muốn của các thế lực thù địch về một quân đội “đứng ngoài chính trị”, “quân đội trung lập”.
Quân đội ra đời gắn với sự ra đời của nhà nước, vì thế không thể có việc quân đội “đứng ngoài chính trị”, “quân đội trung lập”. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản”.
Ý đồ thâm độc của quan điểm “quân đội nhà nghề” là muốn tước bỏ hệ tư tưởng Mác - Lênin, Hồ Chí Minh, phủ nhận mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Quân đội ta. Quan điểm “quân đội nhà nghề”, về thực chất là sự phủ định bản chất giai cấp của quân đội, xóa mờ bản chất giai cấp công nhân, làm lu mờ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì chủ nghĩa xã hội của Quân đội ta. Cần nhận thức rõ rằng, việc cổ súy cho xây dựng “quân đội nhà nghề” là nhằm tạo ra “vỏ bọc” cho việc chuyển hướng xây dựng quân đội mang bản chất giai cấp công nhân sang quân đội mang bản chất giai cấp tư sản. Các thế lực thù địch mượn cớ xây dựng “quân đội nhà nghề” để làm chuyển hóa tính chất chính trị - xã hội của Quân đội ta.
4. Xâu chuỗi quan điểm “phi chính trị hóa quân đội” của các thế lực thù địch cho thấy tính chất phi lý, ngụy biện nhưng vô cùng hiểm độc của chúng. Trong các luận điệu của mình, các thế lực thù địch không trực tiếp bàn về vấn đề lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, về bản chất giai cấp công nhân của quân đội, về việc quân đội đứng ngoài chính trị, quân đội trung lập mà mượn cớ “bàn về đổi mới xây dựng quân đội”, “nghiên cứu học tập mô hình xây dựng quân đội hiện đại” để tạo dựng dư luận xã hội, dư luận quân nhân về những vấn đề cốt lõi trong xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản. Chúng mong muốn rằng, dư luận xã hôi, dư luận quân nhân về các vấn đề đó ngày một dâng cao, tạo áp lực xã hội để thay đổi cách thức lãnh đạo, phương thức xây dựng quân đội. Chúng cũng mong muốn rằng, với nội dung, cách thức tuyền truyền “mập mờ trắng đen”, như là những “làn gió thổi qua” sẽ hằng ngày hằng giờ lay động nhận thức, thái độ, niềm tin, tạo ra sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong xã hội, trong quân đội.
Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng. Trong cuộc đấu tranh phòng chống “phi chính trị hóa quân đội” cần có những tổ chức, các phương thức theo dõi, nắm bắt được, nắm bắt trúng các quan điểm, thủ đoạn, luận điệu chống phá của các thế lực thù địch ở từng thời điểm. Quá trình xây dựng quân đội về chính trị đòi hỏi phải thường xuyên cảnh giác, chủ động và có phương thức khoa học - thực tiễn đập tan mọi quan điểm chống phá mặt chính trị - xã hội đối với Quân đội ta của các thế lực thù địch./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét