Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện chính trị tổng kết
những giá trị chung của nhân loại trong cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng
thiêng liêng của các dân tộc và tiến trình đấu tranh cách mạng vì nền độc lập của
nhân dân Việt Nam. Để giành được quyền bình đẳng của dân tộc và quyền bình đẳng
của mỗi con người, nhân dân ta đã phải hy sinh biết bao xương máu trong cuộc đấu
tranh chống các thế lực xâm lược, áp bức bất công. Là một dân tộc có truyền thống
văn hiến, luôn nêu cao tinh thần nhân văn, nhân đạo, chính nghĩa, yêu chuộng
hòa bình, chúng ta trân trọng giá trị nhân văn, thành quả tiến bộ mà nhân dân Mỹ,
nhân dân Pháp giành được trong cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng, tự do, bác ái
của các dân tộc, của con người. Song, thực dân Pháp, đại diện cho quyền lợi của
giai cấp tư sản Pháp lúc bấy giờ đã lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái để
xâm lược nước ta, áp bức nhân dân ta. Hồ Chí Minh đã làm cho nhân dân thế giới
thấy rõ hành động của thực dân Pháp xâm lược đối với Việt Nam là trái hẳn với
nhân đạo và chính nghĩa. Những hành động vô nhân đạo, phi nghĩa của thực dân
Pháp được thực hiện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế,… bằng những thủ đoạn
dã man, tàn độc, bóp nghẹt quyền tự do, quyền sống của nhân dân Việt Nam.
Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam đã cho nhân dân thế
giới và nhân dân Pháp thấy rõ truyền thống nhân đạo, chính nghĩa của dân tộc Việt
Nam. Mặc dù thực dân Pháp là kẻ thù trực tiếp, song đối với người Pháp, nhân
dân ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo, sẵn sàng giúp đỡ nhiều người
Pháp, bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ. Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ ngày
26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nêu rõ: “Đối với những người Pháp bị bắt
trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ
cho khoan hồng. Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng:
Chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ
chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân
tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước”.
Tinh thần nhân đạo cao cả, đấu tranh vì lẽ phải,
công bằng là một giá trị đặc trưng của truyền thống văn hóa, nhân văn Việt Nam.
Giá trị đó được hình thành, phát triển và tỏa sáng trong lịch sử hàng nghìn năm
dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tinh thần nhân đạo, chính nghĩa,
nhân văn là sức mạnh của văn hóa, sức mạnh nội sinh giúp cho dân tộc ta đấu
tranh và chiến thắng các thế lực hiếu chiến xâm lược. Tuyên ngôn Độc lập được
Bác Hồ tuyên đọc ngày 02-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình vừa để cho nhân dân thế
giới thấy rõ truyền thống văn hiến, văn minh của dân tộc Việt Nam, vừa là lời cảnh
báo với thực dân Pháp và các thế lực xâm lược về tính chất chính nghĩa và sức mạnh
văn hóa của nhân dân Việt Nam. Chính sức mạnh đó, đã quét sạch mọi thế lực xâm
lược để bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, bình đẳng của dân tộc Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét