Các nhà kinh điển Mác – Lênin chỉ rõ, nhà nước bao giờ cũng mang bản
chất giai cấp và nó chỉ ra đời từ khi xã hội có sự phân chia giai
cấp; giai cấp nào thì nhà nước đó, hay nói cách khác: nhà nước mang bản chất
của giai cấp sinh ra nó và phục vụ lợi ích của giai cấp ấy. Tuy nhiên, các nhà
tư tưởng của giai cấp thống trị bóc lột lại luôn tìm cách che đậy, xuyên tạc
bản chất giai cấp của nhà nước. Trước những biến đổi, thích nghi của nhà nước
tư bản chủ nghĩa hiện nay, các học giả tư sản càng ra sức tuyên truyền quan
điểm: nhà nước tư bản hiện đại đã thay đổi bản chất, đã khắc phục được hạn chế
của nhà nước “cổ điển” trước đây để trở thành nhà nước phi giai cấp, “siêu giai
cấp”, “nhà nước phúc lợi chung”, “nhà nước nhân dân tự do”, … thỏa mãn ngày
càng tốt hơn các nhu cầu của xã hội và bảo đảm được phúc lợi cho mọi người.
Những quan điểm đó đã không phản ánh đúng bản chất vốn có của nhà nước tư sản
mà còn che đậy, xuyên tạc bản chất đích thực của nhà nước; lừa bịp quần chúng
nhân dân, làm chệch hướng mục tiêu đấu tranh giai cấp, biện hộ cho sự tồn tại
của nhà nước, giai cấp thống trị.
Tại sao có thể khẳng định như vậy? Vì, trên cơ sở phân tích một cách
lô-gic và khoa học, khách quan về tính tất yếu sự ra đời của nhà nước, chủ
nghĩa Mác – Lênin đã khẳng định, nhà nước mang bản chất của giai cấp sinh ra
nó; công cụ chính trị của giai cấp thống trị về kinh tế dùng để thống trị, áp
bức các giai cấp khác trong xã hội. Ph. Ăngghen viết: “Nhà nước chẳng qua chỉ
là một bộ máy của một giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác, điều đó,
trong chế độ cộng hòa dân chủ cũng hoàn toàn giống như trong chế độ quân chủ”.
Như vậy, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, không có nhà nước phi giai
cấp, nhà nước chung chung của mọi giai cấp, mà nhà nước luôn mang bản chất,
phục vụ cho giai cấp sinh ra nó.
Nhà nước tư bản chủ nghĩa là công cụ duy trì nền thống trị của giai cấp
tư sản đối với nhân dân lao động, dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ
nghĩa về tư liệu sản xuất và bóc lột giá trị thặng dư. Điển hình như ở Mỹ hiện
nay, từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã ban hành hàng loạt các
chính sách, như: Luật cải cách thuế và quy định hủy bỏ một phần Đạo luật Chăm
sóc y tế giá rẻ (Obamacare),… đã làm cho bất công xã hội gia tăng khi chỉ làm
lợi cho những người giàu và siêu giàu, còn những người nghèo và trung lưu thì
càng nghèo đi. Ngoài ra, với việc đảo ngược hàng trăm văn bản dưới thời kỳ Tổng
thống B. Obama về môi trường, năng lượng, các chính sách mới của ông Trump được
cho là phục vụ những ông chủ doanh nghiệp giàu có, đặt lợi nhuận lên trên yếu
tố môi trường, an toàn cũng như sức khỏe của người dân. Do đó, không chỉ là thu
nhập giàu nghèo, văn hóa, ý thức hệ, nước Mỹ còn đang chứng kiến sự chia rẽ về
tôn giáo, sắc tộc,… khi tâm lý thù địch, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, phân
biệt chủng tộc,… có xu hướng gia tăng nhiều nơi ngay trên đất Mỹ. Thượng nghị
sĩ Bernie Sanders và 18 chính trị gia khác đã công bố thư ngỏ kêu gọi hành động
để giảm mức chênh lệch giàu nghèo “đáng tủi hổ” ở nước Mỹ. Các chính trị gia
này cũng đồng ý với nhận định của Liên hợp quốc, rằng: 1.500 tỷ USD giảm thuế của
chính quyền Trump “hoàn toàn chỉ làm lợi cho người giàu, trong khi đẩy dân
nghèo lún sâu vào cảnh khốn cùng”.
Như vậy, dù có che giấu dưới những hình thức tinh vi và bị khúc xạ qua
những “lăng kính” như thế nào đi chăng nữa thì bản chất của nhà nước tư bản chủ
nghĩa cũng không hề thay đổi, vẫn là công cụ bảo vệ lợi ích của giai cấp tư
sản. Khẳng định vấn đề này để thống nhất nhận thức rằng: bản chất giai cấp của
nhà nước là nhân tố quan trọng, quyết định đến đường lối xây dựng đất nước,
mang lại sự công bằng, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, chứ không phải
“nhà nước nào, chế độ nào cũng được”. Nhà nước xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân
dân ta lựa chọn, đang xây dựng là chế độ ưu việt, hơn hẳn nhà nước tư bản chủ
nghĩa. Đó là tổ chức quyền lực chính trị của giai cấp công nhân và nhân dân lao
động dùng để cải tạo xã hội cũ, xây dựng thành công xã hội mới, thực hiện mục
tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, theo định hướng xã hội
chủ nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét