Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

BẢN CHẤT CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Chủ nghĩa Mác – Lênin do C. Mác, Ph. Ăngghen và V. Lênin sáng lập trên cơ sở kế thừa chọn lọc những thành tựu khoa học, giá trị tư tưởng và văn hoá nhân loại. Lý luận của các ông là một hệ thống các quan điểm và phương pháp luận khoa học dựa trên nghiên cứu lịch sử nhân loại và hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa. Mục tiêu của lý luận đó là giải phóng con người, giải phóng xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc cho tất cả mọi người. Giá trị tư tưởng vượt thời đại của Mác - Ăngghen không chỉ là lý luận về cách mạng vô sản mà còn là phương pháp luận duy vật biện chứng và nhận thức từ chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đó là phương pháp xem xét sự vận động và phát triển của sự vật hiện tượng (bao gồm cả lịch sử, xã hội) là phải đặt trong mối quan hệ tương tác và đấu tranh giữa hai mặt đối lập; xem xét mối quan hệ tương tác giữa hạ tầng cơ sở với kiến trúc thượng tầng xã hội. Mối quan hệ này không chỉ bị quy định bởi quy luật khách quan mà còn tùy thuộc vào hoạt động có ý thức chủ quan của con người. Kế thừa tư tưởng của Mác - Ăngghen, Lênin đã phát triển toàn diện lý luận cách mạng đó trong thời đại đế quốc chủ nghĩa; làm sâu sắc thêm lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng nhà nước ở một quốc gia chưa kinh qua chủ nghĩa tư bản. Lênin khẳng định rằng: các dân tộc bị áp bức có thể và cần phải đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc,… và “để chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản,… thì phải thực hiện sự liên minh, thống nhất của giai cấp vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới”.
Mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là mối quan hệ biện chứng. Về mặt lịch sử, chủ nghĩa Mác – Lênin đến với dân tộc ta qua Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này đã được chính Người viết trong bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” - “Lúc bấy giờ… tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng cho đồng bào mình… dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Người còn ví “chủ nghĩa Mác – Lênin như cái cẩm nang thần kỳ” khi gặp khó khăn lớn, người ta mở cẩm nang ra, thì thấy ngay cách giải quyết. Về mặt tư tưởng chính trị, mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh là mối quan hệ biện chứng cả về lý luận và phương pháp luận. Trong bài nói chuyện tại buổi khai mạc lớp học lý luận khóa I trường Nguyễn Ái Quốc, Người nhấn mạnh: “Việc học tập lý luận không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lý luận suông… Các đồng chí phải học tinh thần của chủ nghĩa Mác – Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác – Lênin… để giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”.
Như vậy có thể nói, luận điệu của những kẻ đóng vai người “mác-xít” xem Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ là người “dân tộc chủ nghĩa” và những kẻ đóng vai “người yêu nước” phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ là những thủ đoạn chính trị thâm độc nhằm phá vỡ nền tảng tư tưởng của Đảng và xã hội ta mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét