Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

KHÓ KHĂN TRONG VIỆC DUY TRÌ VỮNG CHẮC MỨC SINH THAY THẾ

Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng công tác dân số và kiên trì, quyết tâm chỉ đạo thực hiện các mục tiêu dân số đề ra. Tuy nhiên, mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là:
Thứ nhất, mức sinh ở Việt Nam vẫn khác biệt đáng kể giữa các vùng, miền, tỉnh/thành, dân tộc và các nhóm xã hội. Nếu như trước kia mục tiêu chủ yếu là giảm sinh nên tuyên truyền, vận động “mỗi cặp vợ chồng có từ 1 đến 2 con” cùng tăng cường dịch vụ phòng, tránh thai là giải pháp chủ đạo, thống nhất trên toàn quốc thì thực trạng hiện nay đòi hỏi có sự linh hoạt, đa dạng và đa chiều hơn trong ban hành và thực thi chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Mục tiêu tiếp tục giảm sinh 10% ở những vùng và tỉnh/thành còn có mức sinh cao cũng không dễ nếu không có chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao mức sống và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Thứ hai, mức sinh thấp là hiện tượng khá mới tại một số địa phương ở Việt Nam và chúng ta chưa có kinh nghiệm trong việc ban hành và thực thi chính sách ứng phó. Sự phát triển kinh tế - xã hội dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là yếu tố rất thuận lợi đối với mục tiêu giảm sinh khi mức sinh còn cao, nhưng cũng làm cho mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trở thành bài toán khá nan giải. Để tránh mức sinh giảm thấp cần có những chính sách an sinh xã hội vĩ mô phù hợp, không chỉ chủ yếu dựa vào tuyên truyền, vận động và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình như khi nỗ lực giảm sinh.
Thứ ba, Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 xác định Bộ Y tế (với cơ quan chuyên trách là Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - vốn có vị trí, chức năng, nguồn lực và cơ cấu tổ chức hạn chế hơn so với Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình trước kia) là cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của Chương trình cùng với sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành, tỉnh/thành và các tổ chức chính trị - xã hội. Điều này là hợp lý và cần thiết, nhưng việc thiếu một cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách thực sự phù hợp và hiệu quả, hoặc một cơ chế với nguồn lực tương xứng sẽ là trở ngại đáng kể đối với việc thực hiện mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong thời gian tới.
Thứ tư, các chương trình dân số của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới vẫn cần tới sự hợp tác, hỗ trợ của quốc tế, nhưng sẽ rất khó có được hỗ trợ lớn về kinh phí, phương tiện, kỹ thuật và chuyên gia như thời kỳ nỗ lực giảm sinh. Nguyên nhân chủ yếu là Việt Nam đã thoát nghèo, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Hơn nữa, bản thân các nước phát triển đều không đặt ra mục tiêu hoặc không thể duy trì vững chắc mức sinh thay thế nên các chính phủ và tổ chức quốc tế sẽ không tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu này và cũng ít có những kinh nghiệm thành công để chúng ta học hỏi.
Thứ năm, Việt Nam tuy đã là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, nhưng nguồn lực kinh tế tính theo đầu người vẫn còn kém xa các nước công nghiệp phát triển. Trong khi nhiều quốc gia đã đầu tư đáng kể cho chính sách khuyến sinh thông qua an sinh xã hội mà vẫn không thành công thì có lẽ Việt Nam cần phải tự tìm kiếm giải pháp phù hợp và hiệu quả hơn.
Thứ sáu, kinh nghiệm thời kỳ nỗ lực giảm sinh mấy thập kỷ qua cho thấy, thông tin, số liệu thống kê và các nghiên cứu khoa học, nhất là dân số học và xã hội học đóng vai trò rất quan trọng trong việc đề xuất, hiệu chỉnh chính sách và triển khai các chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình. Số liệu thống kê và các kết quả nghiên cứu nếu ước lượng chính xác mức sinh, xu hướng biến đổi và các yếu tố tác động sẽ giúp điều chỉnh các chính sách kịp thời và hiệu quả. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sau khi Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu giảm sinh, số lượng nghiên cứu xã hội học về mức sinh cũng như về dân số nói chung có chiều hướng giảm rõ rệt. Đội ngũ chuyên gia nghiên cứu dân số ở Việt Nam cũng ngày càng giảm. Ngoài ra, số liệu thống kê về dân số hiện nay cũng chưa thật phù hợp cho nghiên cứu dân số có mức chết thấp, mức sinh thấp và mục tiêu duy trì mức sinh thay thế. Điều này sẽ dẫn đến những khó khăn trong tương lai khi chúng ta phải có căn cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng các chính sách mới phù hợp với bối cảnh mới.

2 nhận xét: