Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

CÔNG VIỆC TRỌNG YẾU CỦA ĐẢNG CẦM QUYỀN

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: "Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". Không phải ngẫu nhiên Người lại khẳng định như vậy và thực tế cũng cho thấy là, "công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta". Thời chiến cũng như thời bình, ở chiến trường hay tại hậu phương, trong học tập, lao động sản xuất hay khi chiến đấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn quan tâm công tác cán bộ, chăm lo, đào tạo và dìu dắt đội ngũ cán bộ về mọi mặt; nhất là trong rèn đức, luyện tài, gương mẫu về đạo đức cách mạng, liêm chính trong suy nghĩ và hành động để trở thành những người công bộc tận tụy và chính Người cũng là một mẫu mực của tấm gương đạo đức cách mạng, về đức liêm chính.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng, Đảng cầm quyền nhưng nhân dân là chủ, chức vụ/quyền hạn của người cán bộ là do nhân dân ủy nhiệm, vì thế, yêu cầu cần và đủ là mỗi người cán bộ nhất định phải có đức và có tài; trong đó, đức là gốc, nên phải thường xuyên rèn luyện và thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cả trong suy nghĩ và hành động.
Theo Người, để lựa chọn đúng và trúng cán bộ, để xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, thì nhất định người làm công tác cán bộ và mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đều phải trách nhiệm, công tâm, khách quan và minh bạch trong việc lựa chọn, giới thiệu cán bộ. Bên cạnh những yêu cầu cần và đủ, nhất định người cán bộ được lựa chọn để "làm nhân sự", quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm phải là những người biết phải trái, đúng sai; biết hổ thẹn khi làm điều xấu, biết tự răn mình để tránh điều xấu, biết tự hào vì mình đã làm được một việc đúng, việc tốt có lợi cho dân, cho nước, để tâm trí luôn trong và sáng; đồng thời, phải chính trực, dũng cảm đấu tranh với cái xấu để bảo vệ lẽ phải trong công việc và trong xã hội.
Thực tế cho thấy rằng, sự thanh liêm, chính trực và gương mẫu của người cán bộ sẽ tự tỏa sáng và hấp dẫn những người xung quanh và sự hấp dẫn, quy tụ những người xung quanh ấy đến lượt nó lại góp phần làm cho sự liêm chính của người cán bộ tỏa sáng hơn, lan rộng hơn, làm kiểu mẫu cho dân và tạo nên lòng tin của nhân dân. Và thực tế cũng chỉ ra rằng, cán bộ không liêm chính, không gương mẫu “mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc dây leo trời”, thì cũng chỉ lơ lửng ở giữa trời, không ai tin, không ai theo... Vì thế, bất kỳ ở đâu và lúc nào, người cán bộ không chỉ cần phải liêm chính, gương mẫu về sự liêm chính của bản thân trong thực thi công vụ và cuộc sống đời thường mà còn phải có trách nhiệm giáo dục đức liêm chính cho người khác, để “dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, không chính cũng phải hóa ra liêm chính", để ngăn ngừa sự bất chính, bất liêm của những kẻ suy thoái..
Thực tế hơn 1/4 thế kỷ ở vị thế một nguyên thủ quốc gia, sự hòa quyện chặt chẽ giữa đức trị và pháp trị trong tư tưởng và công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiển hiện rõ chân dung một vị lãnh tụ không chỉ đề cao đức liêm chính của người cán bộ và mẫu mực thực hiện; không chỉ luôn kiên trì giáo dục cán bộ thực hành đức liêm chính mà đi liền cùng đó còn là ban hành nhiều sắc lệnh và đạo luật để răn đe, ngăn chặn, trừng trị những kẻ bất liêm, bất chính như Quốc lệnh (ký ngày 26/1/1946) quy định hai vấn đề trọng yếu là thưởng và phạt; quy định tội trộm cắp của công phải bị tử hình, bất kỳ kẻ ấy là ai, ở địa vị nào, làm nghề gì.
Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ vốn là đầy tớ của nhân dân, phải làm mực thước để dân tin, dân mến, dân noi theo, chính vì thế, mỗi người phải luôn rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành liêm chính và luôn gương mẫu, đi đầu về mọi mặt, phải thống nhất giữa nói và làm. Trách nhiệm gương mẫu, tự giác đi đầu của cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo quản lý và người đứng đầu phải thể hiện toàn diện trên các mặt nỗ lực học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; trong quan hệ ứng xử với mọi người; trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ… Nội dung nêu gương thể hiện ở tinh thần trách nhiệm tận tụy, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình, không lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cũng như trong quá trình thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát… Tất cả những điều này sẽ giúp cán bộ tạo niềm tin và sức hấp dẫn quần chúng, quy tụ được quần chúng, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương mình thành một tổ chức thống nhất trong suy nghĩ và hành động.
Cụ thể, để liêm chính và nêu gương cho quần chúng nói theo, để quy tụ và hấp dẫn được quần chúng, người cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng phải "chớ tự kiêu, tự đại; luôn luôn cầu tiến bộ; luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình". Đối với mọi người “phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới" và "phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà”, “đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”; “việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm” …
Sự tu dưỡng đạo đức cách mạng, thực hành liêm chính và gương mẫu về mọi mặt để quần chúng tin tưởng, ủng hộ, làm theo không chỉ là yêu cầu cần thiết trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cán bộ cách mạng mà còn là biện pháp quan trọng để xây dựng Đảng về đạo đức; không chỉ giúp người cán bộ tự soi, tự sửa, tự rèn mình mà còn tạo ra sức mạnh, sức hấp dẫn của chính bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức và của cả một dân tộc trong hành trình đi đến tương lai.

2 nhận xét:

  1. Thực tế cho thấy rằng, sự thanh liêm, chính trực và gương mẫu của người cán bộ sẽ tự tỏa sáng và hấp dẫn và làm kiểu mẫu cho dân và tạo nên lòng tin của nhân dân.

    Trả lờiXóa