Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

CẦN LỰA CHỌN ĐÚNG VÀ TRÚNG

Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng hơn 90 năm qua, nhất là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, công tác cán bộ được Đảng luôn chú trọng triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Thực hiện công tác cán bộ, triển khai các Nghị quyết Đại hội Đảng, Chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII (6/1997); Nghị quyết Trung ương 4 khóa X (1/2007) về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng; định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XI (5/2013), Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ"; Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về “Những điều đảng viên không được làm”, Quy định 101-QÐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy đinh 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương… đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến địa phương đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới và hội nhập sâu rộng.
Theo tinh thần của các Nghị quyết, Chỉ thị và các Quy định nêu trên, cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng có chức vụ càng cao bên cạnh yêu cầu về "tài" như trí tuệ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, v.v..; về bản lĩnh chính trị trước những thay đổi của tình hình trong nước và quốc tế, trước những hiện tượng, sự việc gây bức xúc trong nội bộ, trong nhân dân, còn phải liêm chính và gương mẫu trong suy nghĩ và hành động; phải nêu gương về đức liêm chính, tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, thể hiện trước hết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị công tác và mình nơi cư trú.
Vì thế, tại mỗi cấp ủy, công tác cán bộ nói chung, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ nói riêng cũng đã được chú trọng theo hướng lựa chọn cán bộ liêm chính và nêu gương trong công tác, trong cuộc sống đời thường, quy tụ được quần chúng để trở thành người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Cụ thể, người cán bộ đó phải luôn liêm chính trong suy nghĩ và hành động, luôn gương mẫu về mọi mặt, thể hiện trong cam kết và đăng ký thi đua hằng năm. Mỗi cán bộ nói chung, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị nói riêng căn cứ theo 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra để tự soi, tự sửa mình. Đồng thời, luôn nâng cao bản lĩnh chính trị, gương mẫu thực hành đạo đức cách mạng, lối sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính,v.v.. Đặc biệt, người đứng đầu phải là tấm gương tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo; gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân; kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm… để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ các cấp nói riêng vẫn còn một số hạn chế đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ rõ. Đó là, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh; đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược chưa được xây dựng một cách cơ bản; trong khi đó, một bộ phận cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh chính trị, ngại rèn luyện, ngại thẳng tắn bày tỏ ý kiến... Công tác quy hoạch cán bộ tuy đã có triển khai theo lộ trình, song vẫn chưa đồng bộ, dẫn đến sự hẫng hụt và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ; vẫn còn thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương; còn dàn trải, khép kín, chưa bảo đảm phương châm “động” và “mở”; chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, chưa gắn quy hoạch theo chức danh…
Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, nhất là trong công tác chuẩn bị nhân sự cho các kỳ Đại hội vẫn còn tình trạng đúng quy trình, song chưa thật đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, cánh hẩu vẫn xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội, gây mất niềm tin của nhân dân. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý; trong đó, có cả cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, “tự diễn biến", “tự chuyển hóa”, suy thoái về đạo đức, lối sống…
Thực tế là, những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã không từ một thủ đoạn nào, kể cả vi phạm pháp luật và Điều lệ Đảng và Quy định về những điều đảng viên không được làm để trao đổi, mua bán, ban phát chức vụ, quyền lợi kinh tế; lợi dụng vị thế của mình để trục lợi, chiếm đoạt tài sản, tiền bạc cho bản thân và phe nhóm mình, tạo kẽ hở cho những kẻ cơ hội luồn lách… Những biểu hiện suy thoái của họ không chỉ xâm hại lợi ích chung mà còn gây tác động xấu, làm phân liệt ý chí và tan rã sức mạnh đoàn kết, thống nhất của từng cơ quan, địa phương, đơn vị; làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng; là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

2 nhận xét: