Có thể nói hệ thống pháp luật Việt Nam kể từ thời điểm
đổi mới đất nước năm 1986 đến nay đã phát triển không ngừng và còn phải tiếp tục
hoàn thiện. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHVBQPPL
mà Quốc hội vừa thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục hoàn
thiện quy trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam. Theo đó, cơ quan trình dự án luật
được quyền bảo vệ quan điểm của mình trong toàn bộ quá trình soạn thảo và trình
thông qua dự án luật. Còn cơ quan thẩm tra, dù đó là các ủy ban của Quốc hội hay
UBTVQH thì phải làm đúng chức năng của cơ quan thẩm tra, giúp Quốc hội xem
xét, thậm chí có thể đề nghị Quốc hội không thông qua một dự án luật
là điều hoàn toàn có thể xảy ra nhưng không nên làm thay và tước đi quyền của
cơ quan soạn thảo dự án luật.
Luật BHVBQPPL năm 1996 được sửa đổi, bổ sung một số điều
năm 2002 đã quy định hồ sơ dự án luật trình Quốc hội phải có dự thảo
văn bản quy định chi tiết. Luật BHVBQPPL năm 2008 đã bỏ quy định này. Tuy
nhiên, năm 2013, qua giám sát tối cao việc ban hành văn bản quy định chi tiết
thi hành luật, Quốc hội thấy rằng tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy
định chi tiết có xu hướng gia tăng, dẫn đến luật chậm được triển khai thực hiện.
Do đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 67/2013/QH13 yêu cầu trong hồ sơ dự
án luật phải trình kèm theo dự thảo văn bản quy định chi tiết. Quy định này tiếp
tục được thể hiện trong Luật BHVBQPPL sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, tiếp thu ý
kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã đề nghị cơ quan trình, cơ quan soạn thảo thời
gian tới cần quan tâm hơn nữa việc chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết
nhằm bảo đảm chất lượng văn bản, tránh hình thức, lãng phí.
Để xử lý tình trạng còn xảy ra một số mâu thuẫn, chồng
chéo trong quy định giữa các luật do ngay từ giai đoạn tổng kết, đánh giá, xây
dựng dự thảo văn bản mới, các cơ quan liên quan chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm
trong việc rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời các nội dung có quy định khác
nhau trong các văn bản luật ban hành trước, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung vào Luật
sửa đổi bổ sung Luật BHVBQPPL quy định hồ sơ dự án luật gửi thẩm định, thẩm
tra, trình Quốc hội phải có báo cáo về rà soát các văn bản quy phạm
pháp luật có liên quan đến dự án, dự thảo; đồng thời bổ sung vào Khoản 2, Điều
12 quy định “trường hợp văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành có quy định khác
với văn bản mới nhưng cần tiếp tục được áp dụng thì phải được chỉ rõ trong văn
bản mới đó”.
Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của
nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến
pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Đảng và Nhà nước
ta luôn nhận thức sâu sắc sự cần thiết xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất,
đồng bộ, toàn diện, là cơ sở xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Pháp luật của Việt Nam đã có những quy định rất cụ thể bảo đảm cho mọi công dân
được tiếp cận thông tin đa dạng, nhiều chiều, công khai, chủ động tham gia góp
ý kiến trong các giai đoạn của quy trình xây dựng pháp luật; đồng thời, các cơ
quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền xây dựng pháp luật phải lắng nghe, tiếp
thu ý kiến, phản hồi ý kiến của người dân công khai minh bạch; trường hợp tiếp
thu ý kiến thì cụ thể ý kiến về nội dung gì, nếu không tiếp thu thì phải giải
trình rõ tại sao không tiếp thu. Qua đó, một mặt bảo đảm quyền dân chủ của người
dân trong xây dựng pháp luật, mặt khác, những ý kiến góp ý từ người dân, từ cộng
đồng sẽ giúp các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền xây dựng văn bản quy
phạm pháp luật bảo đảm đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn, phản ánh được ý chí, nguyện
vọng của nhân dân. Không thể xuyên tạc thành quả và quy trình xây dựng pháp luật
ở Việt Nam.
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa