Để khắc phục những rào cản và hạn chế từ chiều cạnh thể
chế trong thực hiện quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay, cần có sự
chung tay của cả hệ thống chính trị, quán triệt và triển khai thực hiện đầy đủ,
thực chất các quan điểm của Đảng và Nhà nước đề ra. Các nghị quyết, quan điểm
chỉ đạo của Đảng về công tác phụ nữ nói chung, công tác cán bộ nữ nói riêng cần
được triển khai ở tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan trong hệ thống chính
trị Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở.
Nâng cao vai trò của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc
và đặc biệt là vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban quốc gia vì sự
tiến bộ của phụ nữ cũng như các cơ quan, thiết chế xã hội khác nhằm bảo đảm thực
hiện bình đẳng giới và quyền chính trị của phụ nữ ở nước ta. Qua đó, thay đổi
nhận thức của toàn hệ thống chính trị và xã hội về vai trò của phụ nữ. Hoàn thiện
các yếu tố thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội có tác động thúc đẩy thực
hiện bình đẳng giới trong chính trị của phụ nữ. Yếu tố chính trị bao gồm toàn bộ
môi trường chính trị, hệ thống các chuẩn mực chính trị, chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quá trình tổ chức thực hiện, tác động
tới tất cả các chủ thể chính trị và bản thân mỗi công dân. Yếu tố kinh tế, văn
hóa, xã hội sẽ tạo cơ sở vật chất, tinh thần, trách nhiệm xã hội trong việc Nhà
nước bảo đảm thực hiện quyền chính trị của phụ nữ; qua đó giảm khoảng cách giới
trên tất cả mọi lĩnh vực, để phụ nữ được trao quyền, ra quyết định ở các cấp
lãnh đạo cao hơn. Hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ và bảo đảm
thực hiện những cam kết, tuyên bố và luật pháp quốc tế cũng như luật pháp quốc
gia về quyền chính trị của phụ nữ. Bên cạnh đó, cần huy động các nguồn lực và sự
tham gia của các cơ quan, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ để triển
khai thực hiện thành công các dự án trọng tâm của Chương trình quốc gia về bình
đẳng giới. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác bình đẳng giới tại Việt Nam.
Cần rà soát, hoàn thiện chính sách về cán bộ nữ: Xây dựng,
sửa đổi, bổ sung và thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng
cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể về đội ngũ cán bộ ở từng cấp, từng ngành, từng
địa phương. Qua đó cũng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chính trị của phụ
nữ, tạo điều kiện tăng số cán bộ nữ có đủ trình độ và năng lực được giới thiệu
vào các vị trí nhân sự lãnh đạo và quản lý. Để khắc phục những rào cản, định kiến
xã hội, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bình đẳng
giới trong chính trị cho các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và quần
chúng nhân dân. Bản thân phụ nữ, nhất là phụ nữ ở các vùng nông thôn, dân tộc
thiểu số, còn thiếu tự tin và ít được gia đình ủng hộ, do vậy cần giúp phụ nữ
khắc phục, vượt qua tâm lý mặc cảm, tự ti, mạnh dạn phát huy thế mạnh của bản
thân. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân cần tiến hành theo nhiều
hình thức, từ giáo dục đến việc thông qua những sinh hoạt cộng đồng và phải được
tiến hành thường xuyên ở mọi cấp, ngành, địa phương./.
Nội dung bài viết rất hay
Trả lờiXóa