Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

THÀNH QUẢ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM LÀ ĐIỀU KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN

Lập hiến và lập pháp là một trong những hoạt động quan trọng và đặc trưng nhất của Quốc hội Việt Nam. Chức năng này đã được thể hiện xuyên suốt qua các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp năm 2013. Ngoài Hiến pháp năm 1946 quy định nguyên tắc chung “Nghị viện nhân dân đặt ra các pháp luật”, thì cả 4 bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và 2013 đều khẳng định Quốc hội là cơ quan lập hiến và lập pháp. Qua mỗi bản Hiến pháp, cơ chế thực hiện chức năng lập pháp của Quốc hội được kế thừa, phát triển và ngày càng được làm rõ hơn. 
Hiến pháp năm 2013 (hiện hành) đã khẳng định, Quốc hội là cơ quan làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, làm luật, sửa đổi luật; thực hiện quyền lập hiến, lập pháp. Trên thực tế, quy định này của Hiến pháp được thực hiện khá chặt chẽ, cụ thể theo trình tự như sau: Hàng năm, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, UBTVQH lập và trình Quốc hội xem xét, quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Trên cơ sở đó, UBTVQH phân công, chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện chương trình này. HĐDT, các ủy ban của Quốc hội, bên cạnh việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, còn dành nhiều thời gian, công sức cho việc chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, ý kiến của nhân dân, của các cơ quan, tổ chức hữu quan. Để phục vụ cho công tác này, HĐDT, các ủy ban của Quốc hội đã tham gia ngay từ đầu vào quá trình xây dựng dự án luật. UBTVQH với tư cách là cơ quan chuẩn bị và chủ trì kỳ họp Quốc hội, thường xuyên cho ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh. Giữa hai kỳ họp, các đoàn ĐBQH đã tổ chức các hội nghị để trao đổi, thảo luận và lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan. Ý kiến của ĐBQH là cơ sở quan trọng mang tính quyết định trong việc hoạch định chính sách, chỉnh lý và hoàn thiện từng nội dung của dự án luật. Theo trình tự này, Quốc hội đã nắm trọn quyền lập pháp, vì thế ý kiến một số người cho rằng Quốc hội chỉ là cơ quan thông qua luật là không có cơ sở lý luận và thực tiễn. Thực tế cho thấy, nếu so sánh giữa dự án luật trình Quốc hội với các dự án luật đã được các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện và Quốc hội thông qua thì chất lượng được nâng cao đáng kể, phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhất là về các chính sách, cả về mặt nội dung cũng như hình thức văn bản. Quy trình xây dựng luật của Việt Nam cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo quy trình này, pháp luật đã ban hành giúp chúng ta đã thu được nhiều thành quả mà các thế lực thù địch dù có cố tình xuyên tạc nhưng cũng không thể phủ nhận.  
Tại Kỳ họp thứ chín mới đây, Quốc hội đã thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ chín đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; tổ chức bộ máy; quan hệ lao động; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường công tác nội luật hóa các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, tiến trình hội nhập quốc tế. 

2 nhận xét:

  1. Nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

    Trả lờiXóa