Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

TÁC ĐỘNG CỦA THỂ CHẾ ĐẾN VIỆC THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM

Quyền bình đẳng nam nữ đã được xác định ngay từ Hiến pháp đầu tiên (năm 1946). Tại Điều 9 quy định: “Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện”. Hiến pháp Việt Nam trong những năm tiếp theo tiếp tục phát triển các nội dung của bình đẳng giới nói chung, trong chính trị nói riêng; thể hiện rõ việc xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới trong mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước. Hiến pháp năm 2013 hiến định: Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật (Khoản 1, Điều 14); không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội (Khoản 1, 2, Điều 16); nam, nữ bình đẳng về mọi mặt (Điều 26). Cùng với Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội và thực hiện bình đẳng giới, như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Pháp lệnh Dân số,... Hệ thống luật pháp, chính sách về phụ nữ ngày càng được hoàn thiện, quyền của phụ nữ được khẳng định là động lực quan trọng để phát triển xã hội.
Bước vào thời kỳ đổi mới, qua các kỳ Đại hội Đảng và trong nhiều nghị quyết, chỉ thị, Đảng luôn khẳng định vị thế của phụ nữ Việt Nam. Tiêu biểu như: Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 12-4-1993, của Bộ Chính trị khóa VIII, Về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 16-5-1994, của Bộ Chính trị khóa VIII, Về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007, của Bộ Chính trị khóa X, Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khẳng định: Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng”; “Hoàn thiện pháp luật chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện. Nghiên cứu sửa đổi Luật Bình đẳng giới, các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ thống nhất, đáp ứng yêu cầu tình hình mới”.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (2011 - 2020) xác định bảy mục tiêu về bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có bình đẳng giới về chính trị. Trong Chỉ tiêu 1, Mục tiêu 1, yêu cầu bảo đảm tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đạt từ 30% trở lên trong nhiệm kỳ 2016  - 2020, trong các cấp ủy đảng đạt từ 25% trở lên, hội đồng nhân dân các cấp đạt từ 35% - 40% trở lên.
Trong các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, mục tiêu bình đẳng giới không ngừng được bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới được hình thành đồng bộ. Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ được thành lập, cùng với Vụ Bình đẳng giới trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ chủ trì, quản lý lĩnh vực này. Hằng năm, Chính phủ có Báo cáo quốc gia về thực hiện bình đẳng giới.
Với sự tác động tích cực từ các yếu tố thể chế chính thức, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về thực hiện bình đẳng giới. Sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống các cơ quan chuyên trách về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ được kiện toàn trên cả nước, đặc biệt Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - tổ chức chính trị rộng lớn dành cho phụ nữ hoạt động vì sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ, đã có sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện bồi dưỡng, giới thiệu phụ nữ đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, phụ nữ đủ tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý các cơ quan trong hệ thống chính trị. Điều đó góp phần đưa đến chất lượng tham chính của phụ nữ cũng được tăng lên về trình độ và năng lực quản lý.
Chất lượng tham gia của phụ nữ trong các cơ quan Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có xu hướng tăng qua các nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ Đại hội XII, số nữ trong Ban Chấp hành Trung ương là 17/200 (đạt 8,5%); trong Bộ Chính trị là 3/19 (đạt 15,79%, cao nhất trong các kỳ Đại hội).
Về tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021: Ở cấp tỉnh, đầu nhiệm kỳ, lần đầu tiên 4/63 tỉnh có bí thư tỉnh ủy là nữ (các tỉnh Ninh Bình, An Giang, Vĩnh Phúc và Yên Bái); đến nay thêm ba nữ bí thư tỉnh ủy (các tỉnh Lai Châu, Lạng Sơn, Hà Nam). Ở cấp huyện, tỷ lệ nữ tham gia ban chấp hành đảng bộ huyện và tương đương bốn nhiệm kỳ gần đây đều tăng: từ 11,68% lên 14,3% (nhiệm kỳ 1995 - 2000 đạt 11,68%; nhiệm kỳ 2000 - 2005 đạt 12,68%; nhiệm kỳ 2010 - 2015 đạt 14,74%; nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt 14,3%). Ở cấp xã, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cơ sở qua các nhiệm kỳ gần đây tăng nhanh, từ 18% ở nhiệm kỳ 2010 - 2015 lên 21,5% nhiệm kỳ 2015 - 2020. Như vậy, nhiệm kỳ này ghi nhận một số đột phá về vị trí chủ chốt mà phụ nữ Việt Nam được giao trong hệ thống Đảng.
Sự tham gia của phụ nữ trong chính trị còn thể hiện ở kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội: Khóa XI (2002 - 2007), phụ nữ chiếm 27,31% trong tổng số đại biểu Quốc hội; khóa XII (2007 - 2011): 25,76%; khóa XIII (2011  - 2016): 24.4%; khóa XIV (2016  - 2021): 26,7%. Đây là tỷ lệ tương đối cao qua các kỳ bầu cử quốc hội và đã đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ nữ đại biểu trong cơ quan lập pháp cao nhất ở châu Á cũng như trên thế giới (trên 25%).
Trong kỳ bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, ở cả ba cấp, tỷ lệ nữ trúng cử đều tăng: cấp tỉnh/thành phố đạt 26,6%, cấp quận/huyện đạt 27,5%, cấp xã/phường/ thị trấn đạt 26,6% (các con số này ở nhiệm kỳ 2010 - 2015 lần lượt là 25,2%, 24,6% và 21,7%). Đặc biệt, ở một số địa phương, tỷ lệ đạt vượt dự kiến như: Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đạt 43%, Hội đồng nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội đạt gần 45%. Đó là những kết quả ghi nhận của công tác cán bộ nữ và sự tăng tỷ lệ nữ trong chính trị thời gian qua dưới tác động thúc đẩy từ yếu tố thể chế trong xã hội Việt Nam.
Tuy nhiên, mặc dù đã đạt những kết quả rất quan trọng, việc thực hiện bình đẳng giới trong chính trị ở Việt Nam vẫn còn những khó khăn như: Tỷ lệ đảng viên nữ tăng nhưng so với tỷ lệ đảng viên nam vẫn thấp (chiếm khoảng 1/3); nhiệm kỳ 2016 - 2021 mới có 21/63 đảng bộ có tỷ lệ cấp ủy viên nữ. Tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân bốn khóa gần đây đều tăng ở các cấp, song chưa đạt mục tiêu đề ra theo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011 - 2020 (35% cho nhiệm kỳ khóa XIV); một số chức danh tăng nhưng không phải ở cấp quyết định, chủ yếu là các chức danh cấp phó. Tại các cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương, chỉ có 2/22 (chiếm 4,55%) nữ bộ trưởng và tương đương trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 và giảm xuống còn 1/22 bộ trưởng là nữ tại nhiệm kỳ hiện tại 2016 - 2021; nữ thứ trưởng và tương đương là 11/142 (chiếm 7,7%). Tỷ lệ nữ vụ trưởng và tương đương đạt 7,8%, nữ vụ phó và tương đương đạt 13,4%. Tòa án nhân dân tối cao không có nữ lãnh đạo chủ chốt. Trong khối mặt trận và đoàn thể (trừ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chỉ có 4/21 cấp phó là nữ, ko có cấp trưởng là nữ ở các cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc. 
Nhìn từ chiều cạnh tác động của các thể chế, chúng ta sẽ thấy những rào cản dẫn đến hạn chế sự tham gia của phụ nữ trong chính trị ở nước ta trong thời gian qua xuất phát từ: 1- Rào cản từ khung chính sách: Một số chính sách, quy định có liên quan đến bình đẳng giới chưa phù hợp đã dẫn tới những hạn chế về điều kiện, cơ hội tham gia bình đẳng của phụ nữ, như vấn đề tuổi nghỉ hưu, công tác cán bộ, chính sách nghỉ thai sản, các dịch vụ công hỗ trợ cho phụ nữ làm việc... 2- Rào cản trong công tác cán bộ: Nhiều cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành còn chưa nhận thức đầy đủ công tác cán bộ nữ; gây trở ngại đối với phụ nữ tham gia chính trị; cơ quan có thẩm quyền thiếu quy hoạch, kế hoạch đào tạo, sắp xếp cán bộ nữ. Ở khâu quy hoạch, cán bộ nữ cũng gặp phải những bất lợi, chẳng hạn như thời điểm được quy hoạch rơi vào giai đoạn lập gia đình và sinh con. Thực tế cho thấy, có khoảng trống giữa chính sách và thực thi chính sách đối với cơ hội đào tạo của cán bộ nữ. Một số nghiên cứu ở tuyến tỉnh cho thấy công tác quy hoạch cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý đa phần vẫn đang được thực hiện thụ động và chưa có hiệu quả. 3- Rào cản đến từ các yếu tố văn hóa chính trị, truyền thống, định kiến xã hội, từ chính gia đình và bản thân người phụ nữ. Tất cả những yếu tố đó vẫn tồn tại, rất khó để xóa bỏ và vượt qua đối với xã hội và với chính bản thân người phụ nữ.

2 nhận xét: