Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

MỘT YÊU SÁCH VÔ CĂN CỨ!

Yêu sách Tứ Sa (tiếng Anh: Four Sha) là chiến thuật mới thay thế “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là đường chín đoạn), được Trung Quốc triển khai sau khi Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, bác bỏ dứt khoát yêu sách “chủ quyền lịch sử” của “đường lưỡi bò” trên Biển Đông.
Mục tiêu cuối cùng của yêu sách Tứ Sa vẫn là giúp Bắc Kinh dần hiện thực hoá việc sở hữu một khu vực rộng lớn trên Biển Đông, biến những vùng biển của nước khác thành một phần thuộc thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc.
Trước đó, vào năm 2012, Trung Quốc đã lập một đơn vị hành chính mới gọi là thành phố Tam Sa để quản lý các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và bãi Macclesfield với dân số khoảng 2.500 người. 
Khái niệm Tứ Sa lần đầu tiên được Phó Vụ trưởng Vụ Điều ước và pháp luật thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Tân Dân nhắc đến trong một cuộc họp kín với giới chức Mỹ ở thành phố Boston cuối tháng 8 năm 2017. Đến cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Trung Quốc chính thức công bố yêu sách Tứ Sa trong các công hàm ngoại giao số CML/14/2019 và số CML/11/2020 gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ).
Lúc này, bản chất của yêu sách Tứ Sa được “trưng” ra một cách rõ ràng hơn. Đó là: (1) Trung Quốc có “chủ quyền không thể chối cãi” đối với Nam Hải chư đảo, bao gồm Đông Sa, Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield); (2) Các nhóm đảo này là quần đảo và được sử dụng đường cơ sở thẳng để xác định đường cơ sở và vùng nước quần đảo và (3) Các nhóm đảo này có vùng nước quần đảo, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tính từ đường cơ sở thẳng.
Theo quan điểm của ThS Nguyễn Hoàng Minh, nghiên cứu viên của Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, bước chuyển chiến thuật về yêu sách và diễn giải yêu sách tại Biển Đông lần này của Trung Quốc đem đến một số hàm ý chính sách quan trọng.
Thứ nhất, Trung Quốc đang sử dụng sự “mập mờ” trong yêu sách chủ quyền để có thể biến hóa nhiều cách diễn giải khác nhau.
Thứ hai, Trung Quốc đang tiến hành “mặt trận pháp lý” ở Biển Đông, biến pháp lý trở thành công cụ trong chính sách Biển Đông, từng bước “hợp thức hóa” yêu sách chủ quyền, và tuyên truyền Luật Biển theo quan điểm của Trung Quốc.
Thứ 3, Trung Quốc đang tính đến khả năng vẽ đường cơ sở quần đảo đối với 3 trong số 4 quần đảo còn lại thuộc Tứ Sa (như đã làm đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, và đưa ra yêu sách đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định dựa trên đường cơ sở quần đảo này.
“Như vậy vùng biển mà Trung Quốc yêu sách được tạo ra từ đường cơ sở thẳng của các quần đảo này sẽ có phạm vi rộng hơn cả vùng biển tạo ra bởi yêu sách “đường lưỡi bò” trước đây, tức vùng biển của Trung Sa sẽ bao gồm cả bãi cạn Scarborough và điểm cực Nam của Trung Quốc sẽ đến tận James Shoal (thuộc vùng biển Trường Sa của Việt Nam), ThS Nguyễn Hoàng Minh phân tích đồng thời cảnh báo rằng Trung Quốc muốn lợi dụng sự mập mờ để có thể triển khai nhiều cách diễn giải khác nhau trước khi đưa ra một tuyên bố chính thức có lợi nhất, trong khi tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ở thực địa nhằm củng cố quyền kiểm soát trên Biển Đông.

2 nhận xét:

  1. Trung Quốc luôn ấp ủ âm mưu độc chiếm biển đông và từng bước đang thực hiện âm mưu đó; điều đó đã bị Việt Nam và các nước lên án mạnh mẽ

    Trả lờiXóa
  2. Mối đe dọa an ninh trên Biển đông là rất hiện hữu, các nước cần đấu tranh mạnh mẽ chống lại các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển đông

    Trả lờiXóa