Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

QUAN HỆ GIỮA THỂ CHẾ VÀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG CHÍNH TRỊ

Bình đẳng giới về chính trị là việc nam giới và nữ giới có vị trí, vai trò ngang nhau trong điều kiện phát triển năng lực cũng như cơ hội tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị. Luật Bình đẳng giới quy định: nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước; hoạt động xã hội, hoạt động hương ước của cộng đồng; bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, vào các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội...
Thể chế kinh tế - xã hội là hệ thống các quy định gồm: Hiến pháp, các luật, quy định, chế định... nhằm hài hòa các quyền, lợi ích và trách nhiệm của mọi công dân, tổ chức trong xã hội. Thể chế được điều chỉnh thích ứng với những thay đổi của chế độ chính trị, có vai trò quyết định đến sự hình thành và hoạt động của cơ chế, chính sách, cơ chế điều hành và hành vi ứng xử của con người. Thể chế chính thức là hệ thống các quy định, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước; thể chế phi chính thức là các dư luận xã hội góp phần hình thành đạo đức, lối sống của con người.
Hiện nay, quan điểm chung của nhiều quốc gia là khuyến khích trao quyền và hỗ trợ phụ nữ tham chính nhiều hơn. Tuy nhiên, tăng quyền năng chính trị cho phụ nữ hướng tới bảo đảm bình đẳng giới vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tác động của các yếu tố thể chế trong xã hội. Tác động của thể chế đến thực hiện bình đẳng giới trong chính trị còn được thể hiện ở tỷ lệ đại diện trong bầu cử và chỉ tiêu giới trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý cũng như mức độ dân chủ.
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã sớm khẳng định vị trí, vai trò và khả năng to lớn của phụ nữ đối với sự tiến bộ của xã hội; đồng thời, cũng chỉ ra nguồn gốc bất bình đẳng giới. Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng chỉ ra các điều kiện, biện pháp để giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ; coi giải phóng phụ nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cuộc cách mạng vô sản.
Tuy không có trước tác bàn riêng về vấn đề giải phóng phụ nữ, song những quan điểm mang tính phương pháp luận và lý luận quan trọng của C. Mác, Ph. Ăng-ghen về vị thế của phụ nữ, lao động và việc làm, áp bức phụ nữ, giải pháp giải phóng phụ nữ,... đã được thể hiện trong nhiều tác phẩm của các ông và được đánh giá có tầm ảnh hưởng lớn đến các tiếp cận lý thuyết, tư tưởng về bình đẳng giới. Ngay từ năm 1844, trong Bản thảo kinh tế - triết học, C. Mác lập luận vị trí của phụ nữ trong xã hội có thể được sử dụng như là một thước đo cho sự phát triển của toàn xã hội khi trích dẫn lại luận điểm nổi tiếng của Phu-ri-ê rằng, trong một xã hội nhất định, trình độ giải phóng của phụ nữ là cái th­ước tự nhiên dùng để đo sự giải phóng chung. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và bộ Tư bản, các ông đã đề cập đến địa vị của người phụ nữ và ảnh hưởng của máy móc công nghiệp đến đời sống phụ nữ và gia đình của họ. Các ông khẳng định: Chỉ có thể giải phóng phụ nữ khi người phụ nữ có thể tham gia sản xuất trên quy mô xã hội rộng lớn.
Kế thừa quan điểm của C.  Mác và Ph. Ăng-ghen, V.I. Lênin đánh giá cao vai trò, tiềm năng của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng. Trong xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, V.I. Lê-nin khẳng định, “không thể nào xây dựng được ngay cả chế độ dân chủ - chứ đừng nói đến chủ nghĩa xã hội, nếu phụ nữ không tham gia vào công tác xã hội, đội dân cảnh, sinh hoạt chính trị...”. Một yêu cầu được V.I. Lênin đưa ra trong xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa là “hủy bỏ mọi sự hạn chế, không loại trừ một sự hạn chế nào đối với các quyền chính trị của phụ nữ so với các quyền của nam giới... đặc biệt làm cho phụ nữ quan tâm tới chính trị”, bởi địa vị của phụ nữ về mặt pháp lý là cái tiêu biểu nhất cho trình độ văn minh. Muốn giải phóng con người và hiện thực hóa quyền con người cần phải dựa trên cơ sở sự giải phóng trước hết về chính trị. Do vậy, thực hiện quyền chính trị cho phụ nữ chính là cơ sở để thực hiện các quyền con người khác của phụ nữ.
Trong các thập niên 70 - 80 của thế kỷ XX, một số quốc gia đã đề cập quan điểm Phụ nữ trong phát triển (WID). Quan điểm này đòi hỏi thu hút sự tham gia của phụ nữ với tư cách là người hưởng thụ và thực hiện các mục tiêu phát triển. Tới những năm 90 của thế kỷ XX, quan điểm này nhấn mạnh sự công bằng giới (Gender Equity) và tăng quyền năng cho phụ nữ để đạt đến bình đẳng giới (Gender Equality) và đòi hỏi xem xét vấn đề giới trên tất cả phương diện. Quan điểm Lồng ghép giới (GM) xuất hiện cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, đưa vấn đề giới vào tất cả các lĩnh vực, như luật pháp, chính sách, khoa học, giáo dục, kinh tế để tiến tới bình đẳng giới một cách toàn diện.
Phụ nữ lãnh đạo và tham chính là một trong những vấn đề giới nổi bật trong thế kỷ XXI. Theo nhiều nhà khoa học chính trị, lãnh đạo nữ thường đưa ra những quyết định theo định hướng sáng tạo, để tạo ra sự ổn định và phát triển chung cho xã hội. Việc nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ cũng như tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển, tham gia lãnh đạo, ra quyết định là điều mà tất cả các quốc gia cần quan tâm, hướng tới trong xu thế phát triển bền vững hiện nay.

2 nhận xét:

  1. Tăng quyền năng chính trị cho phụ nữ hướng tới bảo đảm bình đẳng giới phụ thuộc rất nhiều vào tác động của các yếu tố thể chế trong xã hội.

    Trả lờiXóa