Thứ Ba, 20 tháng 8, 2024

ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT CỦA PHONG TRÀO CÔNG NHÂN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 1919 ĐẾN NĂM 1929 LÀ GÌ?

 

Giai đoạn từ năm 1919 đến năm 1925

Sau Chiến tranh thế giới Thứ nhất kết thúc, Cách mạng Tháng Mười Nga giành thắng lợi năm 1917 đã tác động thúc đẩy phong trào đấu tranh của công nhân thế giới nói chung và phong trào công nhân Việt Nam nói riêng có bước phát triển mới với những đặc điểm nổi bật là:

 - Phong trào công nhân thời kỳ này nổ ra còn lẻ tẻ và mang nặng tính tự phát, chủ yếu đòi quyền lợi về kinh tế;

- Giữa các phong trào đấu tranh chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau;

- Phong trào đã mang những nét mới mà trước đây chưa có đó là sự trưởng thành lớn mạnh về ý thức chính trị, chuyển từ đấu tranh tự phát lên đấu tranh tự giác. Sự xuất hiện của tổ chức Công hội Đỏ năm 1920 là một bước đánh dấu sự trưởng thành của giai cấp công nhân, vì đây là tổ chức hoạt động bí mật để lãnh đạo phong trào công nhân đấu tranh; phong trào công nhân Ba Son tháng 8 năm 1925 đã đánh dấu bước phát triển mới của phong trào công nhân từ tự phát sang tự giác.

Phong trào công nhân Việt Nam đã có tinh thần quốc tế cao cả, không chỉ đấu tranh đòi quyền lợi cho mình mà còn có hành động phối hợp bảo vệ lợi ích của công nhân quốc tế. Điều đó chứng tỏ ý thức chính trị của công nhân đã được nâng lên một bước, chủ nghĩa Mác - Lênin ngày càng được truyền bá sâu rộng ở Việt Nam thông qua hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Giai đoạn từ năm 1926 đến năm 1929

- Phong trào công nhân tăng nhanh về số lượng và phát triển mạnh về chất lượng. Các cuộc đấu tranh của công nhân không đơn thuần là các cuộc đấu tranh về kinh tế mà mang tính chất chính trị sâu sắc. Khẩu hiệu đấu tranh được nâng lên là đòi tăng lương, đòi ngày làm 8 giờ, phản đối đánh đập công nhân...v.v.

- Giữa các phong trào đã có sự liên kết chặt chẽ với nhau giữa nhiều ngành, nhiều địa phương đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức “Công hội đỏ”. Đặc biệt, trong quá trình đấu tranh, “Công hội đỏ” Nam kỳ đã liên lạc với Liên đoàn lao động chống Pháp để kết hợp đấu tranh. Điều đó chứng tỏ rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin đã được truyền bá sâu rộng trong phong trào cách mạng, ý thức giác ngộ của công nhân được nâng cao, phong trào cách mạng mang tính tự giác rõ rệt.

- Sự phát triển của phong trào công nhân trong giai đoạn này là động lực chính thúc đẩy sự xuất hiện của ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam cuối năm 1929, đầu năm 1930. Đó là, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời ở Bắc kỳ; tháng 11 năm 1929, An Nam Cộng sản Đảng ra đời ở Nam kỳ; đầu năm 1930, Đông Dương Cộng sản liên đoàn ra đời ở miền Trung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét