Thứ Tư, 28 tháng 8, 2024

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TRÀO LƯU XÃ HỘI DÂN CHỦ TRUYỀN THỐNG VÀ TRÀO LƯU XÃ HỘI DÂN CHỦ HIỆN ĐẠI LÀ GÌ?

 

Những khác biệt giữa chủ nghĩa xã hội dân chủ truyền thống và chủ nghĩa xã hội dân chủ hiện đại thể hiện ở một số nội dung sau:

Về cơ sở lý luận: các đảng xã hội dân chủ truyền thống cho rằng, lấy giai cấp để làm cơ sở phân chia ranh giới chính trị. “Chủ nghĩa xã hội dân chủ truyền thống là chính trị giai cấp của phái tả, nền tảng cử tri chủ yếu của nó là giai cấp những người lao động chân tay”[1].  Còn chủ nghĩa xã hội dân chủ hiện đại: thu hút tập hợp các lực lượng chính trị, trong đó lấy lực lượng trung gian làm hạt nhân, vứt bỏ chính trị giai cấp, theo đuổi, ủng hộ “vượt giai cấp”.

 

Về chế độ sở hữu và chính sách kinh tế: chủ nghĩa xã hội dân chủ truyền thống: thời kỳ đầu chủ trương công hữu, sau họ lại chủ trương xây dựng nền kinh tế hỗn hợp: tư nhân kết hợp với quốc doanh; kế hoạch kết hợp với thị trường xã hội; ung hộ nhà nước can thiệp toàn diện (bảo hiểm, tăng trưởng, việc làm, giáo dục, y tế, văn hóa…); xây dựng nhà nước phúc lợi.

Còn chủ nghĩa xã hội dân chủ hiện đại: giảm bớt sự can thiệp của nhà nước, kết hợp sự can thiệp của nhà nước với thị trường tự do. Kết hợp chính phủ với giới công nghiệp và các ngành kinh tế.

Về vai trò nhà nước và chức năng của chính phủ: chủ nghĩa xã hội dân chủ truyền thống: chủ trương mở rộng vai trò của chính phủ và của nhà nước. Coi nhà nước là công cụ chủ yếu để cải tạo và xây dựng xã hội. Còn chủ nghĩa xã hội dân chủ hiện đại cho rằng: thời đại tập quyền trung ương và đồ sộ đã qua và sẽ không bao giờ trở lại nữa, chủ trương trao quyền cho cấp dưới. Chính phủ chỉ dẫn dắt chứ không bao biện, tăng cường quyền lực cho địa phương để được tiếp cận nhiều với nhân dân.

Về chế độ phúc lợi xã hội: Chủ nghĩa xã hội dân chủ truyền thống: chủ trương xây dựng một nhà nước phúc lợi chung, chủ nghĩa tư bản nhân dân, chủ nghĩa tư bản xã hội. Chế độ phúc lợi đầy đủ là tiêu chí của một xã hội nhân đạo, vì thế phải duy trì một nhà nước phúc lợi tối đa, góp phần thúc đẩy công bằng xã hội, hòa hoãn mâu thuẫn giai cấp. Còn chủ nghĩa xã hội dân chủ hiện đại cho rằng: Phúc lợi không phải chỉ bảo đảm an toàn mà phải tạo cơ hội giúp đỡ mọi người trong thế giới đầy biến động hiện nay.

Vấn đề quan hệ quốc tế: Chủ nghĩa xã hội dân chủ truyền thống: chủ trương giải trừ quân bị; chống chạy đua vũ khí hạt nhân; lên án chính sách thực dân của chủ nghĩa đế quốc; ủng hộ cuộc đấu tranh dân tộc, dân chủ của thế giới thứ ba; cải thiện quan hệ với các đảng cộng sản, tăng cường quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa; lấy bảo vệ môi trương sinh thái làm chính sách cơ bản.

Còn chủ nghĩa xã hội - dân chủ hiện đại: nhấn mạnh lấy giá trị phương Tây làm nền tảng chứ không lấy hình thái ý thức như chủ nghĩa xã hội dân chủ truyền thống làm cơ sở xuất phát; ủng hộ mở rộng NATO, biến nó thành đồng minh kinh tế, chính trị, quân sự lớn mạnh; can thiệp vào các nước có chủ quyền; lấy cớ để thích ứng đối với toàn cầu hóa, yêu cầu cải tổ các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới... làm cho nó phù hợp với lợi ích của phương Tây hơn.



[1] Antoni Giden - Viện Kinh tế - chính trị Luân Đôn, thầy và cố vấn chính trị của Thủ tướng Anh - Tony Blair

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét