Thứ Ba, 20 tháng 8, 2024

SỰ RA ĐỜI CÁC TỔ CHỨC CỘNG SẢN TIỀN THÂN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM NHƯ THẾ NÀO?

 

Phong trào công nhân cuối những năm 20 của thế kỷ XIX phát triển không đồng đều, mạnh nhất là phong trào công nhân ở Bắc Kỳ, bởi ở đây có đông hội viên và trong hoạt động thực tiễn có nhiều sáng tạo. Phong trào “vô sản hóa” cũng được phát sinh từ đây và đã góp phần đẩy nhanh quá trình kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân. Từ thực tiễn sinh động đó, những người lãnh đạo trong Kỳ bộ - Bắc Kỳ những học trò xuất sắc của Nguyễn ái Quốc, đã nắm bắt được sự đòi hỏi khách quan của phong trào, nhận ra sự cấp thiết phải thành lập một Đảng cộng sản thay cho Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên để tiếp tục đưa phong trào giải phóng dân tộc tiến lên. 

Tháng 3 năm 1929, các đồng chí Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Dương Hạc Đính và Nguyễn Tuân, họp tại ngôi nhà số 5D phố Hàm Long (Hà Nội) đã quyết định lập ra chi bộ cộng sản đầu tiên làm đầu tàu cho Cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Ở Việt Nam. Từ đây, hình thành nên các tổ chức cộng sản ở Việt Nam.

Đông Dương Cộng sản đảng, được thành lập vào đêm Ngày 17 tháng 6 năm 1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), do 20 đại biểu ưu tú của Kỳ bộ Bắc Kỳ đã nhóm họp. Hội nghị đã thông qua “tuyên ngôn”, “điều lệ đảng”. Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản đảng xác định rõ: “Đông Dương Cộng sản đảng là Đảng cách mạng, đại biểu cho tất cả anh chị em vô sản giai cấp (tức thợ thuyền) ở Đông Dương. Đảng Cộng sản là đảng bênh vực cho toàn thế giới vô sản giai cấp, nhưng chỉ gồm những người nào giác ngộ cách mạng, tiên tiến hơn cả trong giai cấp vô sản”. Đồng thời, lấy cờ búa liềm làm cờ của Đảng; thành lập cơ quan tuyên truyền, ra báo “búa liềm” và tạp chí công hội đỏ; thành lập Ban Chấp hành Trung Ương lâm thời, gồm 7 đồng chí của chi bộ cộng sản.

An Nam Cộng sản đảng, được thành lập vào tháng 7 năm 1929. Cùng với công tác tuyên truyền, Đông Dương Cộng sản đảng đã cử người vào Trung Kỳ và Nam Kỳ tuyên truyền và tổ chức các cơ sở Đảng Ở các địa phương đó. Trước ảnh hưởng sâu rộng của Đông Dương Cộng sản đảng, Tổng bộ Thanh niên và Kỳ bộ Nam Kỳ đã quyết định thành lập An Nam Cộng sản đảng, xuất bản “Báo Đỏ” ở Hương Cảng - Trung Quốc để tuyên truyền về trong nước. Tháng 11 năm 1929 An Nam cộng sản Đảng đã họp đại hội thông qua đường lối chính trị, bầu Ban Chấp hành Trung ương của Đảng.

Đông Dương cộng sản liên đoàn, được thành lập vào tháng 9 năm 1929, do các đại biểu cấp tiến của Tân Việt đã họp ra “Tuyên đạt” tại Sài Gòn. Tuy nhiên, đến cuối tháng 12 năm 1929 mới được hoàn tất, tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hội nghị thành lập gồm các đại biểu: Nguyễn Xuân Thanh, Nguyễn Khoa Văn (đại biểu Nam Kỳ), Trần Hữu Chương, Lê Tiềm, Ngô Đức Đệ, Nguyễn Văn Tốn, Trần Đại Quả (đại biểu Trung Kỳ), Ngô Đình Mẫn (đại biểu Bắc Kỳ)... Hội nghị thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng: Không tán thành gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng theo những điều kiện cho Đông Dương Cộng sản Đảng đưa ra. Bỏ tên gọi “Tân Việt”, đặt tên mới là “Đông Dương Cộng sản liên đoàn”, đây là tên gọi tạm thời trước khi các tổ chức cộng sản thống nhất. Tập trung củng cố đảng, đưa ra khỏi đảng những đảng viên yếu kém, bầu Ban lãnh đạo chung.

Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản là xu thế khách quan của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta. Sự ra đời đó đã khẳng định bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam; chứng tỏ hệ tư tưởng vô sản đã giành được ưu thế trong phong trào dân tộc dân chủ ở nước ta. Với sự ra đời các tổ chức cộng sản đó là điều kiện rất quan trọng để đi đến thành lập một chính đảng cách mạng ở nước ta vào đầu năm 1930 là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét