Thứ Ba, 20 tháng 8, 2024

NHỮNG BẤT ĐỒNG, MÂU THUẪN TRONG PHONG TRÀO CỘNG SẢN TỪ GIỮA THẬP NIÊN 50 ĐẾN CUỐI THẬP NIÊN 60 CỦA THẾ KỶ XX NHƯ THẾ NÀO?

 

Từ giữa những năm 50 của thế kỷ XX trở đi, trong phong trào cộng sản  cũng như trong nội bộ các nước xã hội chủ nghĩa nảy sinh bất đồng về quan điểm, đường lối và lợi ích.

- Từ những năm 50 - 60 của thế kỷ XX, trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có những quan điểm xét lại, đề cao chủ nghĩa dân tộc, sùng bái cá nhân lãnh tụ, muốn thực hiện cuộc “đại nhảy vọt”, nên không quan tâm đến các đảng cộng sản anh em. Những quan điểm tư tưởng dân tộc hẹp hòi của nhóm người Mao ít không thống nhất với quan điểm, đường lối của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, bất đồng với các đảng cộng sản trong phe xã hội chủ nghĩa ngày càng gay gắt.

- Những bất đồng đó ngày càng trở nên sâu sắc, đặc biệt là giữa Liên Xô và Trung Quốc, được bộc lộ rõ kể từ sau chuyến thăm Bắc Kinh của N.Khơrusôp (1954) - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Từ năm 1960 trở đi, quan hệ Liên Xô - Trung Quốc xấu đi một cách nghiêm trọng, mâu thuẫn trở nên công khai, báo chí hai nước lên tiếng tố cáo lẫn nhau. Từ năm 1961 - 1965, bắt đầu luận chiến công khai giữa hai đảng cộng sản, các đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc công khai phê phán Đảng Cộng sản Liên Xô và các đảng anh em khác, kêu gọi Liên hiệp Công đoàn thế giới ủng hộ quan điểm của họ.

- Trước tình trạng đó, năm 1962 các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô đã gửi thư cho Đảng Cộng sản Trung Quốc biểu thị sự lo lắng và yêu cầu chấm dứt đưa ra những lời buộc tội lẫn nhau; nhưng Trung Quốc không trả lời, mà con đe dọa gây chiến ở biên giới Trung - Xô. Đỉnh cao của sự bất đồng là xung đột biên giới nổ ra nhiều lần trong năm 1969[1], quan hệ giữa hai nước đã mang tính chất thù địch rõ rệt. Báo cáo Chính trị Đại hội IX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (4-1969) gọi Liên Xô là “bọn xét lại” và coi Liên Xô đồng lõa với đế quốc Mỹ, tuyên bố “một thời kỳ mới chống bọn đế quốc Mỹ và bọn xét lại Liên Xô bắt đầu”; còn N.Khơrusôp thì tuyên bố: “Cuộc xung đột với Trung Quốc là không thể tránh khỏi”[2].

Những bất đồng, mâu thuẫn giữa các đảng cộng sản, nhất là Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Liên Xô là một tổn thất của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng thời tác động tiêu cực đến cách mạng Việt Nam. 


[1] Ngày 2/3: Xảy ra một cuộc đột kích vũ trang do Bắc Kinh trù hoạch từ trước lên Đảo Đa-Manxki trên sông Út-xu-ri ở vùng biên giới Xô - Trung. Bọn mao ít đã dùng lựu đạn, dao găm tấn công đồn biên phòng. Kết quả: 31 chiến sĩ biên phòng bị chết, nhiều người bị thương. Những ngày tiếp theo, Trung Quốc đã huy động 260 triệu người tham gia mít tinh và tuần hành chống Liên Xô. Ngày 14-15/5 một đơn vị Quân đội Trung Quốc tiếp tục đổ bộ lên Đảo Đa-manxki, đồng thời Chính phủ Trung Quốc đưa ra yêu sách về lãnh thổ đối với Liên Xô.

[2] Khorusov N, Hồi ký, Nxb Robert Lafont Paris, bản dịch, lưu tại Viện Hồ Chí Minh, tr. 68.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét