Quan điểm tư
tưởng, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập (năm 1930) cho đến
nay về tín ngưỡng, tôn giáo là nhất quán. Sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản
Việt Nam là giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội, tôn trọng, bảo vệ
và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân nói chung, quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo nói riêng. Các Hiến pháp Việt Nam, từ Hiến pháp 1946, 1959, 1980, đến
Hiến pháp 1992 (được sửa đổi vào năm 2001), 2013 đều quy định về quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
Điều 24 (Hiến
pháp 2013) quy định: “(1). Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo
hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; (2).
Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; (3). Không ai được
xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm
pháp luật”.
Thể chế hóa
Hiến pháp 2013, năm 2016, Quốc hội thông qua Luật Tín ngưỡng tôn giáo. So với
các quy định của pháp luật trước đây, Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 có nhiều điểm
mới, bảo đảm tốt hơn quyền của công dân và của mọi người trên lĩnh vực tôn
giáo. Chẳng hạn: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được mở rộng thành “quyền của
mọi người” chứ không riêng của công dân Việt Nam. Nói một cách cụ thể, quyền tự
do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam cũng được Nhà nước Việt
Nam bảo hộ. Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 còn bảo đảm quyền tín ngưỡng, tôn
giáo đối với cả những người đã bị tước đi một phần quyền công dân-“Người bị tạm
giữ, người bị tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành
biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện
bắt buộc được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo”.
Cũng như pháp
luật về quyền con người, người hưởng thụ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở tất
cả quốc gia, Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 quy định người hưởng thụ quyền có
nghĩa vụ nhất định. Điều 5 (Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016) quy định: “Các hành
vi bị nghiêm cấm: (1). Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo;
(2). Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng,
tôn giáo; (3). Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; (4). Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động
tôn giáo: a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn
xã hội, môi trường; b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe,
tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; c) Cản trở việc
thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo;
chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn
giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. (5). Lợi dụng
hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”. Những quy định này hoàn
toàn tương thích với luật quốc tế về quyền con người. Điều 18, Công ước quốc tế
về các quyền Dân sự, Chính trị, năm 1966 quy định: “(1). Mọi người đều có quyền
tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. … Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc
tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần
thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc
để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.
Như vậy, hoàn
toàn không có chuyện pháp luật Việt Nam về tôn giáo “với những điều khoản mơ hồ
lại cho Nhà nước rộng quyền hơn trong việc kiểm soát mọi sinh hoạt tôn giáo dưới
danh nghĩa gọi là bảo vệ an ninh quốc gia và duy trì đoàn kết dân tộc”... như
Phúc trình tự do tôn giáo thế giới 2017 của Hoa Kỳ viết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét