Trong những năm gần
đây, lợi dụng sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, các nước Đông Âu và sự tạm thời
khủng hoảng, thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, các học
giả tư sản đã tuyên truyền rằng: Chủ nghĩa xã hội đã tan giã, các đảng cộng sản
không còn vai trò và khả năng lãnh đạo xã hội. Vì thế chủ nghĩa xã hội, chủ
nghĩa cộng sản sẽ chỉ là vật để trưng bày trong viện bảo tàng, chủ nghĩa xã hội,
chủ nghĩa cộng sản sẽ không bao giờ là hiện thực, là tương lai của xã hội loài
người. Vậy những quan niệm trên của các học giả tư sản có hoàn toàn đúng hay không?
Để trả lời câu hỏi trên hãy tìm hiểu sự lãnh đạo
của các đảng cộng sản đang cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa trong việc
khai phá con đường lên chủ nghĩa xã hội hiện nay. Trong những năm qua, công cuộc
cải cách, đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của các nước xã hội chủ nghĩa
(XHCN) như Trung Quốc, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Do đó,
vai trò và ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội (CNXH) trên thế giới cũng được củng cố
nhất định. Các nước XHCN do nâng cao được vị thế quốc tế nên ngày càng trở
thành những chủ thể quan trọng của quan hệ quốc tế hiện đại, chủ động đổi mới
chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội
nhập với khu vực và thế giới.
Đánh giá tình hình kinh tế của 5 nước XHCN, Ngân hàng thế giới (WB) cho
rằng: tỷ trọng GDP của các nước này từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay
đã tăng hơn 2 lần, từ mức 1,7% lên 4,1% và có chiều hướng tiếp tục tăng lên.
Mặt khác, các Đảng Cộng sản cầm quyền đã chủ động tổng kết rút ra những
bài học kinh nghiệm thành công cũng như thất bại trong xây dựng CNXH ở Liên Xô,
Đông Âu và những kinh nghiệm của chính bản thân mình; tích cực nghiên cứu, tìm
tòi về lý luận, thực tiễn mô hình xây dựng CNXH phù hợp với điều kiện cụ thể của
mỗi nước và những biến đổi của thế giới đương đại. Điều này được thể hiện nổi bật
nhất trong việc sử dụng kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế để phát
triển kinh tế - xã hội và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH. Trung Quốc
xác định mô hình kinh tế thị trường XHCN; Việt Nam - nền kinh tế thị trường định
hướng XHCN; Lào - nền sản xuất hàng hóa đi lên CNXH. Cộng hòa dân chủ nhân dân
Triều Tiên từ năm 2002 cũng bắt đầu cải cách theo hướng kinh tế thị trường, lựa
chọn bước đột phá vào lĩnh vực giá, tiền và phân phối. Năm 2003, nước này thông
qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2003 - 2008), chủ trương khoán
trong nông nghiệp, xóa bỏ bao cấp, sửa đổi luật đầu tư để thu hút vốn nước
ngoài, phát triển một số khu công nghiệp và đặc khu kinh tế...
Nhiều Đảng Cộng sản
và công nhân trên thế giới đánh giá cao sự lựa chọn mô hình phát triển kinh tế
- xã hội của Trung Quốc và Việt Nam. Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Nhật Bản
thông qua tại Đại hội XXIII (năm 2004) khẳng định: Quá trình tìm tòi tiến lên
CNXH thông qua kinh tế thị trường của Việt Nam và Trung Quốc đang trở thành một
hướng đi quan trọng của thế giới trong thế kỷ XXI; tiến lên CNXH thông qua kinh
tế thị trường là hướng đi có tính quy luật của CNXH. Hội thảo quốc tế "Triển
vọng của chủ nghĩa xã hội" của 39 Đảng Cộng sản và công nhân được tổ chức
tại Pra-ha (Cộng hòa Séc) năm 2005 cũng đánh giá cao sự phát triển nền kinh tế
thị trường dưới CNXH và việc gắn những ưu việt của chính quyền nhân dân với những
thành tựu mới nhất của khoa học - kỹ thuật, với sự tham gia tích cực vào thị
trường quốc tế của Trung Quốc và Việt Nam, coi đây là sự bổ sung lý luận độc
đáo về CNXH.
Những thành tựu cải cách, đổi mới của các nước XHCN là một thực tế sinh
động minh chứng cho sức sống và khả năng tự đổi mới để đi lên của CNXH. Các Đảng
Cộng sản và công nhân quốc tế coi đây là nguồn cổ vũ lớn lao, giúp họ củng cố
niềm tin vào lý tưởng XHCN. Sự tìm tòi, khai phá con đường đi lên CNXH của các
Đảng Cộng sản cầm quyền đã có đóng góp quan trọng cả về lý luận và thực tiễn
trong việc phát triển CNXH, chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều kiện lịch sử mới.
Điều đó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy quá trình phục hồi của phong trào cộng
sản quốc tế, góp phần thiết thực vào việc tìm kiếm những phương thức hoạt động
hiệu quả của phong trào trong giai đoạn hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét