Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

THUYẾT TAM QUYỀN PHÂN LẬP KHÔNG PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM

Trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XII, lợi dụng sự kiện này một số người đã cổ súy cho việc thực hiện cái gọi là “Tam quyền phân lập”, đòi tách biệt quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để “kiềm chế”, “đối trọng” giữa ba quyền này theo mô hình nhà nước tư sản... Đây là những luận điệu không mới và đã được các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền, kích động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do đó, nhận thức thực chất của thuyết “Tam quyền phận lập” và đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng học thuyết này chống phá nước ta là vấn đề cấp bách hiện nay.
Tam quyền phân lập là không phù hợp với thực tiễn chính trị ở Việt Nam
Lịch sử lập hiến Việt Nam cho thấy, qua 5 bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992, 2013) nhân dân Việt Nam không chỉ tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, kế thừa những thành tựu của lịch sử lập hiến thế giới mà còn vận dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên có những ý kiến đề nghị: “Cần thực hiện tam quyền phân lập trong tổ chức quyền lực nhà nước”. Trên thực tế, ở Việt Nam không theo mô hình nhà nước tư sản, nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn luôn kiên định quan điểm về việc tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Điều này xuất phát từ những lý do sau:
Thứ nhất, tư duy cơ giới - nền tảng của thuyết tam quyền phân lập không phù hợp với truyền thống văn hóa và tâm lý dân tộc Việt Nam.
Suốt chiều dài dựng nước và giữ nước, lịch sử đã chứng minh: Việt nam là dân tộc luôn đoàn kết trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Cách đây 726 năm (năm 1288) dân tộc ta dã đoàn kết một lòng “sát thát”, đánh tan quân Nguyên-Mông, chấm dứt thời kỳ đô hộ của quân xâm lược phương Bắc. Sau này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã giương cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, các lực lượng cách mạng, cả dân tộc đã dồn sức cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, một lần nữa chứng minh cho tinh thần đoàn kết một lòng làm nên sức mạnh của dân tộc ta. Khi đất nước tiến hành đổi mới, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách hòng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo hòng phá hoại khối đại đoàn kết, kích động, chống đối, nhằm gây mất ổn định chính trị- xã hội, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của ta, nhưng Đảng và Nhà nước ta tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững độc lập, chủ quyền của quốc gia.
Có thể nói, tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc, thống nhất vì mục tiêu chung đã trở thành giá trị văn hóa, ăn sâu trong tiềm thức và lối sống của dân tộc ta. Chính vì lẽ đó, phương pháp tư duy cơ giới- nhìn nhận mọi việc theo hướng tách biệt, không có mối liên hệ với nhau, “kiềm chế- đối trọng tuyệt đối” của thuyết tam quyền phân lập đã không phù hợp với truyền thống văn hóa và tâm lý của dân tộc ta, không được dân tộc ta chấp nhận.
Thứ hai, khẳng định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” là phù hợp với thể chế chính trị Việt Nam.
Kế thừa những hạt nhân hợp lý của thuyết phân quyền, Đảng ta đã khẳng định nhất quán quan điểm: “Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, với sự phân công rành mạch ba quyền đó”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã thông qua cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong đó tiếp tục khẳng định “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do nhân dân và vì nhân dân”; tổ chức và hoạt động của nó dựa trên một trong những nguyên tắc nền tảng: “Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Có thể nói, nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước bắt nguồn từ nguồn gốc và bản chất của nhà nước pháp quyền XHCN: “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Theo đó, nhân dân thông qua lập hiến mà trao quyền lực nhà nước của mình cho Quốc hội, cho Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, cần phải nhận thức rõ rằng nhân dân không trao hết quyền lực nhà nước của mình cho Quốc hội, Chính phủ và cơ quan tư pháp. Theo điều 84 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 và điều 69 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, nhân dân chỉ giao cho Quốc hội 3 nhóm quyền hạn và nhiệm vụ về lập hiến, lập pháp; quyền hạn và nhiệm vụ về giám sát tối cao; quyền hạn và nghĩa vụ về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Thực tiễn ở nước ta chỉ ra rằng, quyền lực nhà nước dẫu là quyền lập pháp, hành pháp hay tư pháp đều có chung một nguồn gốc thống nhất là ở nhân dân, đều do nhân dân ủy quyền, giao quyền. Do vậy, nói quyền lực nhà nước là thống nhât trước tiên, là sự thống nhất ở mục tiêu chính trị, nội dung chính trị của nhà nước. Cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tuy có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau nhưng đều thống nhất với nhau ở mục tiêu chính trị chung là xây dựng một nhà nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” như Đảng ta đã chỉ ra. Bên cạnh đó, quan điểm quyền lực nhà nước là thống nhất nói trên còn là cách thức tổ chức quyền lực nhà nước đề cao trách nhiệm trước nhân dân,  hạn chế sự dự dẫm, ỷ lai trong việc thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ mà nhân dân đã ủy quyền. Đó cũng là cơ sở để không chỗ cho các yếu tố cực đoan, đối lập, thiếu trách nhiệm trong mối quan hệ giữa các quyền, nhất là quyền lập pháp và quyền hành pháp. Đồng thời, đó cũng là điều kiện để hình thành cơ chế kiểm soát, nhận xét, đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của các quyền từ bên trong tổ chức quyền lực nhà nước cũng như từ bên ngoài là nhân dân. Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước nên tất yếu nhân dân phải phân công và kiểm soát quyền lực đó. Do đó, cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ ở nước ta (sửa đôi, bổ sung năm 2011) và điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện rõ hơn sự “phân công” và xác định kiểm soát quyền lực nhà nước là một nguyên tắc trong tổ chức quyền lực ở nước ta.
Như vậy, mặc dù nhà nước ta không thừa nhận cơ chế tam quyền phân lập trong tổ chức bộ máy nhà nước nhưng Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013) đã thể hiện rõ nội dung “ba quyền được xác lập”, bằng việc quy định rõ các cơ quan nhà nước thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trên thực tế. Sự phân công rành mạch ba quyền này không chỉ tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyên nghiệp hóa các quyền mà còn là yếu tố đầu tiên tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả giữa các cơ quan trong bộ máy Nhà nước.

Thực tiễn đã cho thấy, chỉ trên cơ sở phân công một cách đúng đắn, hợp lý, minh bạch, rõ ràng giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để cho các quyền này có điều kiện thực hiện đầy đủ và đúng đắn ý nguyện của nhân dân đã được ghi nhận thành các quy định của Hiến pháp và các đạo luật thì việc kiểm soát quyền lực nhà nước mới có hiệu quả.  Ngoài ra, nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của kiểm soát quyền lực trên thực tiễn, bên cạnh việc quy định rõ sự phân công, phối hợp trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013) còn khẳng định cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Và theo đó, đã quy định một chương riêng về các thiết chế hiến định độc lập, bao gồm ba cơ quan: Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Kiểm toán Nhà nước. Việc ghi nhận các thiết chế hiến định độc lập này, một lần nữa cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực hiện triệt để nguyên tắc kiểm soát nhà nước hiện nay./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét