Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

SỰ SỤP ĐỔ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở LIÊN XÔ VÀ ĐÔNG ÂU CÓ PHẢI BẮT NGUỒN TỪ SỰ LẠC HẬU CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC?

1. Kể từ khi chủ nghĩa xã hội ở Liên xô và Đông Âu sụp đổ đến nay, có vẻ như các thế lực thù địch ngày càng như tìm thấy trong sự sụp đổ đó những "lý lẽ" có sức "thuyết phục" để xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học. Những luận điệu đó nào là: sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên xô và Đông Âu là do sự lạc hậu, lỗi thời của chủ nghĩa xã hội khoa học; nào là, "Chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội "không tưởng", không bao giờ thực hiện được"; nào là, cái gọi là chủ nghĩa xã hội khoa học thì đó chỉ là một học thuyết "viển vông", "ảo tưởng”, áp dụng vào thực tiễn thì chỉ sinh ra những "quái thai của lịch sử"... được tung ra khắp nơi trên thế giới với các cung bậc khác nhau nhằm phủ nhận bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa xã hội khoa học. Từ đó, họ cho rằng hiện nay "Việt Nam đang bế tắc không chỉ về kinh tế, mà còn về tinh thần. Không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác nữa"; rằng, con đường xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang đi là "trái với quá trình lịch sử - tự nhiên"; đó là “một khúc cong của lịch sử, là đoạn vòng vèo đầy đau khổ đi lên chủ nghĩa tư bản”, rồi họ "khuyên” chúng ta hãy đi theo con đường khác - con đường tư bản chủ nghĩa.
Đây là những luận điệu chống phá rất tinh vi, xảo quyệt và đặc biệt nguy hiểm. Nó dễ làm cho người ta rơi vào chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; dễ làm cho một số người lầm tưởng rằng họ cũng rất "khách quan, khoa học và sòng phẳng" khi đánh giá về chủ nghĩa xã hội khoa học. Những luận điệu này nếu chưa thể xóa bỏ được chủ nghĩa Mác - Lênin, phủ định được chủ nghĩa xã hội khoa học, thì cũng rất dễ gây nên sự hoang mang, hoài nghi, dao động, suy giảm niềm tin nhất định trong một bộ phận cán bộ và nhân dân; làm nhiễu loạn tư tưởng xã hội, dễ bề cho sự thâm nhập của các loại tư tưởng phi vô sản len lỏi vào xã hội ta. Tính chất phản động, phản khoa học của những luận điệu trên, cần phải được nhận thức đúng, vạch trần rõ và đấu tranh bác bỏ.
2. Đến nay chúng ta vẫn cần khẳng định rằng, sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu không phải là sự khủng hoảng về lý luận hay do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lênin, không phải do "lỗi" của chủ nghĩa xã hội khoa học, do sự lạc hậu, lỗi thời của chủ nghĩa ấy; mà đó là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội đã lạc hậu, do sự sai lầm, phản động của ban lãnh đạo trong quá trình cải tổ và sự chống phá của các thế lực thù địch. Ở đây, cũng cần cho họ hiểu rõ thêm thực chất cải tổ và quá trình đi đến sự tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô.
Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội kể từ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đến những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ XX của nhân dân Xô viết đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, quân sự, khẳng định sức sống mạnh mẽ và tính ưu việt của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa trong hiện thực, trở thành nhân tố tích cực thúc đẩy tiến trình phát triển của lịch sử hiện đại. Đó là điều không thể bác bỏ. Song, trong quá trình phát triển chủ nghĩa xã hội, những khó khăn, mâu thuẫn nảy sinh và tích tụ lại, trở thành yếu tố tiêu cực, cản trở sự phát triển, lấn át những thành tựu và dẫn đến trì trệ, khủng hoảng.
Cải tổ được thực hiện là tất yếu, nhưng cải tổ phải có nguyên tắc. Quá trình cải tổ được đánh dấu bằng những sự kiện chính: Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười (07/11/1987); Hội nghị toàn Liên bang lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Liên xô; Báo cáo của M.Goócbachốp (26/11/1989); Hội nghị Trung ương (12/1989 và 02/1990); Đại hội lần thứ XXVIII của Đảng Cộng sản Liên xô (7/1990). Cải tổ được xác định với nội dung và tư tưởng chủ yếu là: xây dựng chủ nghĩa xã hội nhân đạo và dân chủ; chuyển nền kinh tế tập trung quan liêu sang kinh tế thị trường có điều khiển của nhà nước, thực hiện mạnh mẽ tư nhân hoá; thực hiện đa nguyên chính trị, công khai hoá, dân chủ hoá đời sống xã hội; từ bỏ độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, xa rời và từ bỏ những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa xã hội khoa học; thực hiện tư duy chính trị mới trong quan hệ đối ngoại theo hướng xoá nhoà ranh giới hệ tư tưởng và giai cấp...   
Sự nghiệp xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa phải do đảng cộng sản “Tư duy chính trị mới”, “công khai hoá” và “đa nguyên chính trị” là biểu hiện rõ nhất của sự chuyển hoá về tư tưởng và chính trị của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô từ chủ nghĩa xã hội khoa học sang chủ nghĩa xã hội dân chủ; là sự vi phạm nghiêm trọng nhất vào vấn đề bản chất nhất, cốt lõi nhất trong quá trình thực thi cải tổ. Trong quá trình cải tổ, Đảng Cộng sản Liên Xô đã không tuân theo và ngày càng xa dần những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, đó là phải thực hiện dân chủ trên lập trường của giai cấp công nhân, quyền lực thuộc về nhân dân mà nòng cốt là liên minh công - nông - trí thức do đảng cộng sản lãnh đạo. Bằng việc thực hiện “đa nguyên chính trị”, “công khai hóa” như là sự “đột phá” thúc đẩy công cuộc cải tổ, Đảng Cộng sản Liên Xô đã tạo ra những điều kiện cho sự phát triển những tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa trong xã hội, đối lập với chủ nghĩa Mác - Lênin. Chính sách công khai, dân chủ đã được tận dụng, khai thác để phê phán quá khứ lịch sử, phê phán chủ nghĩa xã hội, phủ nhận, thậm chí nhạo báng công lao của các thế hệ cách mạng đi trước. Sự phê phán Stalin, phê phán “học thuyết Stalin”, phê phán tệ sùng bái Stalin đã nhanh chóng phát triển thành sự phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin. 
3. Từ những diễn tiến tiêu biểu về quá trình thực thi cải tổ của Đảng Cộng sản Liên Xô, có thể khái quát thành những vấn đề cơ bản là: đáng lý phải thực hiện quyền lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản, thì lại thực hiện "đa nguyên chính trị"; đáng lý phải giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của đảng cộng sản, thì lại buông lỏng, cắt xén và từ bỏ sự lãnh đạo ấy; đáng lý phải củng cố đảng cộng sản trên nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội khoa học, nâng cao sức chiến đấu của đảng, bảo đảm đảng thực sự là đội tiền phong của giai cấp công nhân, của nhân dân và dân tộc, thì lại biến đảng thành "một tổ chức chính trị - xã hội tự quản", thành một "câu lạc bộ" như một tổ chức chính trị - xã hội đơn thuần, mất sức chiến đấu và đi đến tan rã. Đó là những vấn đề quyết định làm sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. 
Những luận chứng trên đã cho thấy, sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, cũng như ở các nước Đông Âu, không phải do chủ nghĩa xã hội khoa học lạc hậu, lỗi thời, không phải là "lỗi" của học thuyết; mà đó thực sự là do sự hiểu sai, vận dụng sai, làm sai và cả sự phản động của ban lãnh đạo đảng cộng sản ở các nước đó trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội cùng với sự thúc đẩy của "diễn biến hòa bình".
 4. Trong thời đại ngày nay, lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học vẫn tiếp tục soi sáng cho nhân loại trên con đường đi đến chủ nghĩa xã hội. Chúng ta thấm thía những tổn thất to lớn từ sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, nhưng cũng nhận ra rằng, điều đó đã khách quan tạo cho những người cộng sản có thêm dữ liệu để nhận thức đúng và hoàn thiện hơn lý luận về chủ nghĩa xã hội, trở về đúng với C.Mác, Ph.Ănghen và V.I.Lênin, đúng với lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học hơn và vận dụng, phát triển đúng đắn, sáng tạo và phù hợp hơn trong điều kiện lịch sử mới. Nó cho thấy rõ hơn những sai lầm của các đảng cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa trong việc nắm bắt bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa xã hội khoa học và vận dụng vào thực tiễn; thấy rõ hơn tính chất nguy hiểm của các đòn tiến công của các thế lực thù địch; thấy rõ hơn tính chất gay go, phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trong thế giới đương đại; hiểu rõ hơn những bước thăng trầm, những khúc quanh co của lịch sử trên con đường đi tới chủ nghĩa xã hội. Đó là cách kiến giải đúng đắn, khoa học và phù hợp.
Trong tình hình hiện nay, nhân loại ngày càng nhận rõ hơn những giá trị thực sự của chủ nghĩa Mác - Lênin, cũng như lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học. Chính từ các quốc gia tư bản phương Tây, người ta lại thấy có những tiếng nói về những giá trị của chủ nghĩa Mác, của học thuyết kinh tế Mác, về phong trào “trở về với Mác”, tìm đọc Mác. Đặc biệt, ở những thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008 - 2009, trong khủng hoảng nợ công và suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia tư bản phát triển, phong trào “trở về với Mác”, tìm đọc Mác lại trở nên sôi nổi và thực tế hơn. Các tác phẩm của V.I.Lênin vẫn xếp số 1 trên thế giới và được dịch ra 134 ngôn ngữ ở 63 nước. Một học thuyết “ảo tưởng”, "không tưởng", đã “lạc hậu, lỗi thời” thì không thể có được những thành tựu hiện thực và sức lôi cuốn, tầm ảnh hưởng sâu rộng như thế.
C.Mác, Ph.Ăngghen đã làm cho chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học, khai sáng ra học thuyết cách mạng khoa học; V.I.Lênin đã phát triển và hiện thực hoá nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học trên một phần đất bao la của thế giới; các thế hệ cộng sản trong thế kỷ XXI phải bảo vệ, tiếp tục phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, thúc đẩy cách mạng tiến lên. Xuất phát từ thực tiễn, vận dụng sáng tạo, bảo vệ và phát triển là quy luật sống còn của chủ nghĩa xã hội khoa học trong tình hình mới./.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét