Trước khi nói về nhiệm vụ đối
ngoại, Văn kiện Đại hội Đại hội XII chỉ rõ: “Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu
tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình,
ổn định, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao
đời sống nhân dân…”.
Ở tầm văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng, lần
đầu tiên phương châm này được nêu ra. Qua đó, Đảng ta khẳng định, trong quá
trình triển khai các nhiệm vụ đối ngoại, phải thấy rõ tính chất hai mặt trong
quan hệ với mọi đối tác, trong xử lý mọi sự việc nảy sinh để không bỏ lỡ bất kỳ
một cơ hội hợp tác nào nhưng cũng không lơ là mất cảnh giác. Tuy nhiên,
một số ý kiến đã cố ý “bẻ lái” nội dung này nhằm làm sai lệch đường lối, quan
điểm trên, cho rằng việc Việt Nam “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” là không rõ ràng
trong đường lối, mập mờ trong đối ngoại, giữa bạn và thù, giữa đối tác, đối
tượng. Từ
đó, những ý kiến này biện luận theo lối suy diễn tiêu cực, lấy cớ đả phá Việt
Nam. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận quần chúng, cán bộ, đảng viên cũng
chưa đầy đủ về vấn đề hợp tác, đấu tranh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc giai
đoạn hiện nay.
Thực tế, kể từ thời kỳ chúng ta bước vào công
cuộc đổi mới, vấn đề bạn – thù, đối tác – đối tượng, hợp tác – đấu tranh đã
được hiểu một cách linh hoạt, phù hợp với quy luật vận động thực tiễn.
Tại Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương Đảng khóa
IX, Đảng ta đã đề ra “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, nêu rõ
phương châm chỉ đạo trong việc xác định đối tác - đối tượng là: Phải trên tinh
thần thêm bạn, bớt thù, phân hóa, cô lập các thế lực thù địch chống đối ta;
tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Không
có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc là vĩnh viễn. Không có
đối tác vĩnh viễn, song phải xác định được những đối tác chiến lược, lâu dài,
nhất quán trên cơ sở chủ trương thêm bạn, bớt thù; khai thác triệt để mặt đối
tác nhằm bảo đảm lợi ích lâu dài và chắc chắn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc…
Trên cơ sở đó, Đảng ta đã đề ra nguyên tắc trong
việc xác định đối tác, đối tượng phù hợp với bối cảnh của đất nước, đó là:
“Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ
hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của
chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước
ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh.
Mặt khác, trong tình hình diễn biến mau lẹ và
phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn nhận biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có
thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác
biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta. Trên cơ sở đó, cần khắc phục cả hai khuynh
hướng mơ hồ, mất cảnh giác hoặc cứng nhắc trong nhận thức, chủ trương và trong
xử lý các tình huống cụ thể”.
Đến tháng 10/2013, Trung ương Đảng ban hành Nghị
quyết số 28-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bổ sung
thêm các điểm mới so với Chiến lược bảo vệ Tổ quốc năm 2003. Với hệ thống 7
quan điểm đề ra trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, nghị quyết lần này tiếp tục
nhấn mạnh và làm rõ hơn quan điểm về vấn đề đối tượng - đối tác. Nghị quyết chỉ
rõ: Vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng: Những ai tôn trọng độc
lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng
có lợi với Việt Nam đều là đối tác. Bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động
chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều
là đối tượng của chúng ta.
Mặt khác, trong tình hình diễn biến nhanh chóng
và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có
thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn
với lợi ích của ta cần phải đấu tranh.
Quan điểm trên thể hiện được tính mềm dẻo, biện
chứng toàn diện trong cách nhìn nhận về đối tượng và đối tác, về hợp tác và đấu
tranh, đảm bảo tính kế thừa, phát triển những nội dung mới so với quan điểm
được thể hiện trong các kỳ Đại hội. Thực tế đã khẳng định về tính đúng đắn của
quan điểm này, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và tính cạnh tranh
song hành cùng tính lệ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia đang ngày càng gia
tăng.
Nhận thức đúng về xu thế của
thời đại và cục diện thế giới, khu vực, Đảng, Nhà nước đã có định hướng chỉ đạo
và các chính sách đúng đắn, kịp thời trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc.
Nhiều chủ trương, giải pháp xử lý các vấn đề phức tạp, trong đó có vấn đề Biển
Đông, đã tạo được sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân và được dư luận
quốc tế ủng hộ.
Tuy
nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận công tác đối ngoại thời gian qua cũng còn
một số hạn chế, nhất là trong nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa
"đối tác, đối tượng" có lúc chưa theo kịp những chuyển biến mau lẹ,
phức tạp của tình hình; công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo tình hình chưa
được như mong muốn.
Với nguyên tắc là độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt
điều chỉnh tuỳ theo vấn đề, tuỳ từng thời điểm và tuỳ theo đối tượng hay đối
tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ: " Dĩ bất biến ứng vạn
biến", "thêm bạn bớt thù", "làm bạn với tất cả các nước dân
chủ và không gây thù oán với ai". Trong bối cảnh mới, chúng ta cần nâng
cao nhận thức về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, đặc biệt phải có tư
duy biện chứng về "đối tác, đối tượng". Đây là một nhiệm vụ hết sức phức
tạp và nặng nề bởi: Tuy hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát
triển vẫn là xu thế lớn, song tình hình chính trị - an ninh thế giới đang thay
đổi nhanh chóng, diễn biến khó lường. Hằng ngày, chúng ta chứng kiến các cuộc
xung đột vũ trang, các hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục
bộ, chiến tranh mạng, những hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp
lãnh thổ, tài nguyên diễn ra ở nhiều nơi.
Ngay ở Châu Á - Thái
Bình Dương và Đông Nam Á cũng đang diễn ra những thay đổi rất phức tạp, liên
quan tới tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo và cạnh tranh chiến lược giữa
một số nước lớn, tạo nên tình trạng bất ổn. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải
hết sức nhạy bén trong việc dự báo tình hình để không bất ngờ, bị động. Muốn
thế, cần chú trọng công tác nghiên cứu dự báo chiến lược, làm rõ nguồn gốc sâu
xa của những diễn biến hiện nay đang diễn ra trên thế giới, nhất là mối quan hệ
vừa hợp tác vừa cạnh tranh giữa các nước lớn tại các khu vực trọng yếu, kể cả
Châu Á - Thái Bình Dương và Đông Á, có thể ảnh hưởng đến lợi ích của nước ta,
kịp thời đề xuất phương án ứng xử cho trước mắt và lâu dài.
Trong sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần nắm vững các quan điểm chỉ đạo về mối quan hệ giữa
hợp tác và đấu tranh. Vừa kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn
vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, vừa phải hết sức giữ
vững môi trường hoà bình và hợp tác để phát triển. Nhằm mục tiêu đó, cần giữ
vững nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hoà bình, trong
đó có thương lượng song phương trên những vấn đề liên quan tới hai nước và đa
phương trên những vấn đề liên quan đến nhiều nước, nhiều bên; kiên trì phấn đấu
nhằm đạt được một giải pháp cơ bản, lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong thế giới liên
kết, toàn cầu hoá hiện nay, đối ngoại quốc phòng - an ninh cũng có vị trí rất
quan trọng. Đối ngoại cần phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, chủ động
triển khai hoạt động trong lĩnh vực trọng yếu này. Giữ vững môi trường thuận
lợi để phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là mối quan
hệ gắn bó hữu cơ, tác động trực tiếp lẫn nhau nên phải được thường xuyên xác
định là ưu tiên cao, là điều kiện quan trọng hàng đầu cho sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng chính là tư tưởng của ông cha ta: "giữ nước từ
xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy".
Như vậy, việc xác
định rõ "đối tác, đối tượng" của Đảng ta trong quan hệ quốc tế là
hoàn toàn đúng đắn, khoa học, khách quan. Việc một số đối tượng tìm cách
“bẻ lái” sang cách hiểu khác chỉ là sự ngụy biện để chống phá Việt Nam. Do đó, mỗi chúng ta cần tích cực học tập nắm chắc
nội dung quan điểm của Đảng ta về xác định đối tác, đối tượng của cách mạng,
xác định đúng đối tượng tác chiến trong tình hình mới; tích cực tuyên truyền
cho nhân dân hiểu đúng quan điểm của Đảng ta về đối tác, đối tượng; đồng thời kiên
quyết đấu tranh phê phán những quan điểm, nhận thức sai trái về đối tác, đối
tượng của cách mạng cũng như về đối tượng tác chiến của quân đội ta.
Tin tưởng rằng, với truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt
Nam, cùng với đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn dưới sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta xác định đúng đối
tác, đối tượng nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách thực hiện
thắng lợi các nhiệm vụ trong giai đoạn mới, góp phần tăng cường, củng cố hơn
nữa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, phục vụ thiết thực và có hiệu quả
sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Chỉ có phân biệt rõ thì ta mới có đối sách phù hợp
Trả lờiXóaChỉ có phân biệt rõ thì ta mới có đối sách phù hợp
Trả lờiXóa