Hiện nay, trên thế giới có 5 trường phái dân tộc học sau đây:
Trường phái tiến hóa - trường phái tiến
bộ, xuất hiện ở châu Âu những thập kỷ 50-60 thế kỷ XIX, đại biểu là các nhà
sáng lập: A.Bastian, I.Bacôphen, E.Taylo, L.G.Moocgan. Trường phái này dựa vào học
thuyết tiến hóa của Đácuyn và những thành tựu của khoa học tự nhiên để giải
thích về sự tiến hóa của các tộc người và lịch sử phát triển nhân loại. Nó thừa
nhận tính thống nhất, sự tiến bộ của loài người là một quá trình tự nhiên từ
thấp đến cao, sự phát triển của xã hội là do sản xuất vật chất. Trường phái này
vẫn còn có nhiều hạn chế như máy móc, chủ nghĩa dân tộc hoặc coi sự phát triển của xã hội
theo một đường thẳng liên tục từ đơn giản đến phức tạp.
Trường phái văn hóa lịch
sử - trường phái xuất hiện cuối thế kỷ XIX đầu thế
kỷ XX ở Đức và Anh, dựa trên cơ sở thuyết địa lý chủng tộc của nhà địa lý học,
dân tộc học người Đức Rátxen (1844-1904). Nó cho rằng sự khuếch tán và môi
trường địa lý đóng vai trò quyết định đến sự phát triển văn hóa và xã hội. Theo
đó, yếu tố văn hóa là do điều kiện địa lý quyết định; ở những nơi điều kiện địa
lý không thuận lợi thì văn hóa sẽ không phát triển, thường bảo lưu văn hóa lạc
hậu. Những nơi điều kiện địa lý thuận lợi, văn hóa sẽ phát triển, văn minh hơn.
Thực chất những luận điểm trên là cơ sở để biện hộ cho chính sách bành trướng
xâm lược của giai cấp tư sản.
Trường phái chức năng
- người sáng lập và đứng đầu trường phái này là B.Manilốpxki. Ông cho
rằng, nhiệm vụ trước hết của dân tộc học là nghiên cứu chức năng của các hiện
tượng văn hóa, nghiên cứu mối liên hệ tương tác và sự chế định lẫn nhau. Phải
nghiên cứu văn hóa của mỗi xã hội giống như là một hiện tượng đơn nhất, trong
đó tất cả các bộ phận có quan hệ với nhau bằng thực thi những chức năng xác
định. Lý thuyết của chức năng luận có đặc điểm là phản phương pháp lịch sử một
cách cực đoan. Nó được sử dụng rộng rãi ở nước Anh cho mục đích điều hành các
xã hội thuộc địa của chế độ thực dân.
Trường phái tâm lý
chủng tộc hình thành và phát triển
từ sau thế chiến thứ hai
ở Mỹ, cơ sở phương pháp luận dựa vào “Thuyết Fơrớt” trong tâm lý học và trường
phái “Văn hóa lịch sử” của dân tộc học Đức. Trường phái này cho rằng, yếu tố
quyết định đời sống xã hội là ở tâm lý con người; mỗi con người, mỗi dân tộc có
một tâm lý khác nhau; kẻ nghèo suy nghĩ theo đầu óc người nghèo; chỉ có người
giàu và dân tộc văn minh mới khai hóa cho kẻ nghèo được để phát triển… Đây là
một quan điểm hết sức phản động, phục vụ cho lối sống Mỹ, ca ngợi mô hình “văn
hóa” và “dân chủ” kiểu Mỹ.
Trường phái dân tộc học
mác xít. C.Mác và Ph. Ăngghen đã đặt nền móng cho việc nghiên cứu các vấn đề
dân tộc và quan hệ dân tộc theo phương pháp luận mác xít. Khác biệt căn bản
trong nghiên cứu dân tộc học mác xít với các trường phái khác là ở chỗ gắn liền
vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp, quan hệ tộc người với quan hệ xã hội, quan
hệ giai cấp. V.I.Lênin là người đã kế thừa và phát triển xuất sắc những quan
điểm dân tộc học của C.Mác và Ph.Ăngghen. Ông đã nghiên cứu và giải quyết các
vấn đề dân tộc theo tinh thần thực hiện quyền bình đẳng, quyền tự quyết và
quyền liên hợp của các dân tộc theo lập trường của giai cấp công nhân.
Sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, dân tộc học mác xít phát triển mạnh
mẽ và trường phái dân tộc học Xôviết ra đời. Nền dân tộc học Xôviết đã đạt được
nhiều thành tựu trong nghiên cứu các vấn đề lý luận dân tộc học với những tên
tuổi tiêu biểu như: A.Guberơ, P.Tônxtốp, N.Trêbốcxarốp, I.U.Brômlây... Các tư tưởng
của trường phái này đã có ảnh hưởng lớn đến khuynh hướng phát triển của ngành Dân
tộc học Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét