Thời gian gần đây, những “thông tin
rác”, núp dưới vỏ bọc là các “kiến nghị”, “thư ngỏ”, “tâm thư” của các vị lãnh
đạo cấp cao đã nghỉ hưu hoặc đang đương chức liên tục xuất hiện trên mạng
Internet. Những “văn bản” này thường đề cập đến những vấn đề liên quan đến chủ
trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những “câu chuyện”
nhạy cảm về chính trị, kinh tế, đối ngoại, văn hóa, xã hội của đất nước.
Còn nhớ, thời điểm trước, trong và
sau khi diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (tháng 1-2016), trên các
trang mạng phản động thường xuyên xuất hiện các “tâm thư” góp ý cho đồng chí
này là Ủy viên Trung ương Đảng hay đồng chí khác là Ủy viên Bộ Chính trị. Nếu để
ý kỹ, nội dung góp ý rất chung chung, nhưng thỉnh thoảng lại cài vào những
“chuyện nội bộ” rất “nhạy cảm” nhằm hướng người đọc tập trung vào thông tin
này, qua đó, có thể lung lạc, tác động tới dư luận, rằng trong nội bộ Đảng có
nhiều chuyện mâu thuẫn phe nhóm, đấu đá chính trị thuộc hàng “thâm cung bí sử”(?).
Không dừng lại ở đó, cũng trong thời
gian này, các trang mạng phản động hay blog, trang cá nhân trên Facebook của
các phần tử cơ hội chính trị cũng liên tục đăng tải những tài liệu dưới dạng
“kiến nghị”, “thư ngỏ”, trong đó “gài” nhiều nội dung tố cáo người này, người
kia có vấn đề về đạo đức, chính trị hoặc tham nhũng, tham ô, chạy chức, chạy
quyền. Để đánh lừa người đọc, các tài liệu đều được ghi tên tác giả là các vị
lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu, thậm chí còn đăng cả ảnh. Một điều đáng chú ý nữa
là nội dung trình bày trong các tài liệu rất chung chung, không chỉ ra được các
vụ việc, thủ đoạn tham ô, tham nhũng cụ thể, nhưng bù lại, thường được “trộn”
thêm những sự kiện có thật nhằm hướng lái tư tưởng người đọc tin rằng đó là những
câu chuyện “chuẩn xác”.
Gần đây nhất, trên một số trang mạng
xuất hiện “tâm thư” gửi Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng
Chính phủ, được cho là của một vị lãnh đạo trong quân đội mang hàm tướng đã nghỉ
hưu, từng giữ chức vụ đứng đầu một Cục quan trọng thuộc Tổng cục Chính trị. Điều
đáng lưu ý là trong nội dung “tâm thư”, những kẻ mạo danh - đã được chứng minh
là sử dụng thủ đoạn “mượn tên” của vị tướng để cố tình ngụy tạo ra các sai phạm
nhằm hạ uy tín của lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Cách đây chưa lâu, một vị tướng nổi
tiếng nguyên là cán bộ cao cấp của quân đội đã nghỉ hưu cũng bị kẻ xấu mạo danh
trong một bức “kiến nghị” gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh nội dung “kiến nghị” về những
việc quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh, còn có công tác lựa chọn nhân sự
cấp cao. Đặc biệt, bức kiến nghị giả mạo này còn dành thời lượng đáng kể để tập
trung… nói xấu một lãnh đạo Nhà nước. Chỉ đến khi chính vị tướng này lên tiếng
trên báo chí khẳng định bức thư mang tên mình là giả mạo thì nhiều người đã đọc
và trót tin vào nó mới “ngã ngửa”. Họ không biết rằng, trong thời đại công nghệ
số bùng nổ thì việc “chế biến” ra một văn bản với nội dung không có thật, ở
phía dưới kèm theo một chữ ký giả mạo giống y hệt với chữ ký của ai đó là điều
rất dễ dàng. Đây cũng chính là những thủ đoạn hèn hạ mà các thế lực thù địch và
những kẻ cơ hội chính trị thường áp dụng để bịa đặt và tung tin với mục đích
bôi xấu cá nhân, xuyên tạc sự thật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét