Bộ phim
“Chiến tranh Việt Nam” (“The Vietnam War”, 10 tập, dài 18h) của Geoffrey C
Ward, được phát trên kênh truyền hình PBS Hoa Kỳ (từ ngày 17-9 được đưa lên
Internet, có phụ đề tiếng Việt) trong thời gian qua đã thu hút nhiều người quan
tâm, có nhiều bình luận về nghệ thuật và quan điểm lịch sử, chính trị trên
Internet. Là
một tác phẩm nghệ thuật, quan điểm tư tưởng, cách thể hiện trong bộ phim như
thế nào là quyền của các tác giả. Suy nghĩ ra sao khi xem phim đó là quyền của
người xem. Tuy nhiên, đối với người Việt Nam, việc bình luận, đánh giá bộ phim
này, nhất là khi tải trên mạng Internet thì cần phải nghĩ đến trách nhiệm công
dân, tình cảm của một người mang dòng máu Việt.
Trả lời câu hỏi của một số nhà báo
về bộ phim này, bà Lê Thị Thu Hằng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói: “Đây là
cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, mang tính chính nghĩa và đã
phát huy được sự đoàn kết và sức mạnh của toàn dân tộc, được bạn bè và nhân dân
thế giới hết lòng ủng hộ. Chính vì thế đã đi đến thắng lợi cuối cùng là thống
nhất đất nước”.
Trong những ngày qua, trên nhiều
mạng xã hội trong và ngoài nước đã đăng tải không ít ý kiến cá nhân về bộ phim
“Chiến tranh Việt Nam”. Trả lời câu hỏi của hãng RFI: “Cho tới nay, về phía
Việt Nam, cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn được mô tả như là chiến tranh chống Mỹ
cứu nước. Nhưng nay nhìn lại thì có thấy cần đặt lại vấn đề về định nghĩa cuộc
chiến tranh này hay không?”. Một số người nói rằng, hai cuộc chiến chống Pháp
và chống Mỹ có tính chất chống xâm lược, vừa có tính chất giải phóng dân tộc,
nhưng cũng có tính chất nội chiến. Họ còn trích dẫn quan điểm của một người
Việt (di tản, định cư ở nước ngoài), rằng: “Cuộc chiến tranh (Việt Nam) mang
tính chất ủy nhiệm, cuộc chiến tranh mang tính ý thức hệ”.
Thiết nghĩ, để nhận rõ bản chất của
hai cuộc chiến tranh, chúng ta cần nhìn lại bối cảnh lịch sử. Sau Cách mạng
Tháng Tám, trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Một
dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan
góc đứng về phe đồng minh, chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự
do! Dân tộc đó phải được độc lập! Về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, còn
nhớ mở đầu là hành động gây hấn của quân đội Pháp. Nhằm duy trì hòa bình, Chính
phủ Hồ Chí Minh đã nhân nhượng với Pháp bằng hai văn kiện: Hiệp định sơ bộ
6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946 với Pháp. Song thực dân Pháp đã bội ước, tấn công
quân ta ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng… Ở Hà Nội, chúng nổ súng vào nhiều
cơ quan Nhà nước, đặc biệt đã gây ra vụ tàn sát ở phố Hàng Bún. Tướng Pháp
Mooclie đã ra tối hậu thư, yêu cầu Việt Nam phải “giải giáp lực lượng tự vệ và
trao quyền kiểm soát Hà Nội cho chúng trước sáng 20-12-1946”. Trước tình đó,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.
Người nói: “Chúng ta muốn hoà bình,
chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng
lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy
sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Thử hỏi cuộc chiến tranh này đâu là
“ý thức hệ”, đâu là “nội chiến”? Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ
(1954-1975) cũng vậy. Đây là sự tiếp nối cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân
Pháp. Về phía dân tộc ta, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ nhằm bảo vệ nền độc
lập dân tộc, sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước. Nếu có chăng vấn đề
“ý thức hệ” thì từ phía Hoa Kỳ vì họ cho rằng cần phải ngăn chặn “làn sóng đỏ”
ở khu vực Đông Nam Á.
Nhưng bản chất của cuộc chiến tranh
này vẫn là chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh chống xâm
lược, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Ở đây, nếu có sự khác biệt với cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp thì chỉ là chỗ Mỹ có tiềm lực lớn hơn, có tham
vọng lớn hơn và đã tạo dựng được một chính quyền tay sai trên một phần đất nước
chúng ta. Thêm nữa, ở miền Nam trong suốt 30 năm kháng chiến, chính quyền cách
mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo luôn luôn hiện diện (lúc công khai, khi
bí mật). Chính quyền tay sai chỉ có thể đại diện cho những kẻ bán nước, những
kẻ cho rằng: “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17”. Vì sao một số kẻ rêu
rao chuyện chiến tranh “ý thức hệ”, “chiến tranh ủy nhiệm”? Thực tế rõ ràng
rằng, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và chiến thắng của nhân dân ta
trong 2 cuộc kháng chiến đều đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam, từ tinh thần tự lực tự cường của nhân dân ta cùng với sự giúp đỡ quý
báu của bè bạn quốc tế.
Không phủ nhận rằng, 2 cuộc kháng
chiến chống thực dân xâm lược của nhân dân ta đã có sự giúp đỡ to lớn của các
nước XHCN, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc, hơn nữa còn của cả nhân dân yêu
chuộng hòa bình trên thế giới. Về bản chất, tính chất của cuộc chiến tranh Việt
Nam, xin nhắc lại quan điểm của cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Robert
McNamara (được xem là “kiến trúc sư” cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt
Nam). Trong cuốn hồi ký mang tựa đề “Hồi tưởng” xuất bản năm 1995, ông đã
đưa ra nhiều tư liệu đáng tin cậy và đánh giá thẳng thắn, thừa nhận đây là một
thất bại thảm hại của Hoa Kỳ. Tất nhiên ông có lý giải riêng của mình về nguyên
nhân của sự thất bại đó.
Về quan điểm cho rằng Chiến tranh
Việt Nam là cuộc “chiến tranh ý thức hệ”, “chiến tranh ủy nhiệm”, xin được
trích dẫn lại 2 sai lầm được nêu trong cuốn sách nói trên: (1)“ Chúng ta đánh
giá thấp sức mạnh của tinh thần dân tộc… và sự hy sinh vì đức tin và giá trị
của họ” (sai lầm thứ 3); (2) “Chúng ta không chịu nhận thức về cái gì là lợi
ích tốt nhất của đất nước và dân tộc khác”; “Chúng ta không được thượng đế ban
phát quyền nhào nặn một dân tộc khác theo hình ảnh của chúng ta hay theo cách
mà chúng ta lựa chọn” (sai lầm thứ 8).
Như vậy là, từ phía bên kia, chính
những người lãnh đạo cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, họ đã nhận thấy sai
lầm là đánh giá sai “Tinh thần dân tộc” của người Việt Nam, đã đánh giá sai về
“lợi ích tốt nhất của đất nước và dân tộc khác”. Nói cách khác, nguyên nhân Hoa
Kỳ thất bại là đã không đánh giá đúng tinh thần lòng yêu nước của nhân dân Việt
Nam. Người viết bài này đánh giá cao đối với bất cứ ai có được quan điểm,
cách nhìn nhân đạo, khoan dung về cuộc chiến tranh Việt Nam và mong muốn phát
triển quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Tuy nhiên điều đó không có
nghĩa người ta có quyền xuyên tạc, bóp méo, đảo lộn phải - trái, trắng - đen về
lịch sử của cuộc chiến tranh này. Phát ngôn cho rằng cuộc kháng chiến
chống đế quốc Mỹ xâm lược là cuộc “nội chiến, nồi da nấu thịt”, là cuộc chiến
tranh “ý thức hệ, chiến tranh ủy nhiệm” là xúc phạm danh dự của dân tộc và chạy
tội cho quân xâm lược, làm sai lệch hoàn toàn bản chất cuộc chiến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét