Ngày 18 tháng 1 năm 2018, tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch) đã ra báo cáo thường niên “World Report 2018” về tình hình
dân chủ, nhân quyền thế giới, trong đó có phần báo cáo về tình hình ở Việt
Nam. Như thường lệ, phần báo cáo về Việt Nam vẫn là những thông tin sai lệch,
xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Thứ nhất, ngay đầu phần báo cáo về Việt
Nam, Human Rights Watch đã xuyên tạc dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam khi cho rằng:
“Tình hình nhân quyền Việt Nam xấu đi nghiêm trọng trong năm 2017”; “Chính quyền
Việt Nam thường vận dụng những điều luật hình sự có nội dung mơ hồ để đàn áp bất
đồng chính kiến, trong đó có tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân
dân”, “phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”, “tuyên truyền chống nhà nước” và “lợi
dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”.
Trước hết, phải khẳng định những
luận điệu trên là hoàn toàn sai trái, xuyên tạc. Bởi lẽ, những tội danh trên được
quy định trong Bộ Luật hình sự của Việt Nam. Điều 79, Bộ Luật hình sự năm 1999
đã quy định: “Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ
chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau: người tổ chức, người xúi giục, người
hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến
20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ 5
năm đến 15 năm”. Hoặc Điều 258, Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm
2009) đã quy định rõ: “Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo
chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân
chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức,
công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ
6 tháng đến 3 năm; Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2
năm đến 7 năm”.
Những đối tượng điển hình bị bắt như
Trần Thị Xuân về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, linh mục
Nguyễn Bá Thông về hành vi “tuyên truyền kích động giáo dân phá vỡ đoàn kết
lương-giáo”, đối tượng Hoàng Đức Bình về hành vi “chống người thi hành công vụ;
lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích
hợp pháp của tổ chức, công dân”, thì việc các cơ quan chức năng khởi tố, bắt
giam, điều tra và xét xử là hoàn toàn đúng với quy định của luật pháp Việt Nam,
chứ không phải như luận điệu xuyên tạc của Human Rights Watch và các thế lực
thù địch.
Thứ hai, Human Rights Watch tiếp
tục xuyên tạc trắng trợn dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam khi cho rằng: “Các
phiên tòa xử blogger và các nhà hoạt động về nhân quyền đều liên tiếp vi phạm
các tiêu chuẩn quốc tế về xét xử công bằng. Công an thường xuyên đe dọa người
nhà và bạn bè muốn đến dự những phiên tòa xử các nhà hoạt động.” Đây là luận điệu
hoàn toàn sai trái, bởi các phiên tòa xét xử các blogger diễn ra công khai,
minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Ví dụ: phiên tòa xét xử
Blogger “mẹ nấm” tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa ngày 30 tháng 11 năm
2017, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm
đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (sinh năm 1979, thường trú tại phường Vĩnh
Phước, thành phố Nha Trang) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội
chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 88, Bộ Luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung
năm 2009). Hội đồng xét xử đã nhận định: căn cứ, đối chiếu với các lời khai, thừa
nhận của bị cáo trong quá trình điều tra vụ án, chứng cứ và các tài liệu hồ sơ
có trong vụ án; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét
đầy đủ ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo và người bào chữa, Hội đồng xét xử đã
có đủ cơ sở để kết luận bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị phiên tòa sơ thẩm xét xử
và tuyên án là không oan sai. Do đó, căn cứ điểm a, khoản 2, Điều 248 Bộ luật Tố
tụng hình sự năm 2003, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh,
giữ nguyên bản án sơ thẩm; áp dụng điểm a, b, c khoản 1, Điều 88 Bộ Luật hình sự
năm 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009), xử phạt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù về tội
tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy, chúng
ta thực hiện nghiêm túc các quy định, tiêu chuẩn quốc tế là việc ai cũng thấy,
chứ không như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch muốn chống phá.
Tóm lại, những nội dung về tình hình
dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam mà Tổ chức Human Rights Watch tổng kết trong báo
cáo thường niên “World Report 2018”, là những luận điệu sai trái bịa đặt, xuyên
tạc dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác,
kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những luận điệu phản động của Tổ chức Human Rights
Watch và các thế lực thù địch./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét