Các dân tộc ở Việt
Nam có một nền văn hóa phong phú, đa dạng, thống nhất. Người Kinh cùng 53 dân tộc thiểu số đều có những bản sắc
văn hóa đa dạng và độc đáo trên các lĩnh vực văn hóa tộc người. Sự thống nhất của
văn hóa các tộc người ở nước ta là do cùng sinh sống trong khu vực nhiệt đới
gió mùa; có chung loại hình kinh tế - xã hội, có sự giao lưu tiếp biến văn hóa
của nhau. Tuy nhiên, mỗi tộc người, do sống trong các tiểu vùng văn hóa khác
nhau nên đều có bản sắc văn hóa riêng, song luôn gắn bó chặt chẽ với nhau tạo
thành một cộng đồng văn hóa thống nhất.
Các tộc người ở Việt
Nam đã sáng tạo nên các vùng văn hóa với những nét đặc trưng riêng. Sự khác biệt về cấu trúc địa hình, khí hậu và phân bố dân tộc, dân cư đã tạo
ra những vùng văn hoá có những nét đặc trưng riêng tại Việt Nam như: Vùng đồng bằng Bắc Bộ với văn hóa của người Việt, vùng Tây Bắc, Đông Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, vùng Nam Trung Bộ, vùng Trường Sơn - Tây Nguyên,
vùng đồng bằng Nam Bộ.
Văn hóa truyền thống của các tộc người là văn hóa của các cư dân nông nghiệp
khu vực nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á. Văn
hóa của cư dân đồng bằng và trung du là văn hóa lúa nước, của cư dân miền núi
là văn hóa nương rẫy với công cụ và kỹ thuật canh tác phù hợp. Văn hóa ẩm thực
của các tộc người Việt Nam chủ yếu là cơm, rau, cá, rất ít thịt; uống rượu gạo;
tục ăn trầu. Trang phục có váy, yếm, khố, quần lá tọa, thoáng mát phù hợp khí hậu
nóng ẩm. Văn hóa xã hội luôn đề cao tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết, tương
thân tương ái, hướng tới sự hài hòa, coi trọng tình cảm hơn lý trí.
Văn hóa các tộc người
có quá trình phát triển lâu đời trên nền tảng văn hóa bản địa. Các tài liệu nghiên cứu khảo cổ học đã chứng minh nền văn hóa các dân tộc Việt Nam có lịch sử phát triển liên tục từ sơ
kỳ đồ đá cũ có niên đại khoảng 30 vạn năm ở núi Đọ, Thanh Hóa đến thời đại đồ sắt
thời Hùng vương; nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng có niên đại khoảng 2.700 năm và
được tiếp nối đến ngày nay, ngày càng phong phú, đa dạng trong thống nhất.
Văn hóa truyền thống các tộc người có sự giao lưu với văn hóa Ấn Độ, văn
hóa Hán và văn hóa phương Tây. Trong tiến trình lịch sử, các
tộc người Việt Nam đã tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa Hán, làm giàu bản sắc tộc
người. Nhiều tộc người tiếp nhận từ văn hóa Hán kỹ thuật sản xuất, kiến thức
đông y, trang phục; ngôn ngữ Hán; cách thức tổ chức xã hội, luật pháp; kinh dịch,
bói toán, chịu ảnh hưởng Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo... Từ Nam Trung Bộ trở
vào, một số tộc người chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, nhất là từ Phật giáo Ấn Độ
truyền đến như các tộc người Chăm, Khơ-me... Thời cận hiện đại, các tộc người
nước ta đã tiếp thu nhiều ảnh hưởng văn hóa phương Tây trong phát triển đô thị,
công nghiệp, giao thông, Kitô giáo, chữ quốc ngữ, báo chí, văn học nghệ thuật,
giáo dục, khoa học, tư tưởng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét