Hiện nay, việc bảo tồn,
phát triển văn hóa các tộc người ở Việt Nam chịu sự tác động của các nhân tố
chính sau:
Sự thay đổi môi trường tự nhiên tác động đến văn hóa tộc người. Văn hóa truyền thống các tộc người Việt Nam là sự ứng xử vừa thích ứng, hài
hòa với tự nhiên, vừa chinh phục, cải tạo tự nhiên; vừa để thỏa mãn nhu cầu vật
chất và tinh thần, vừa để cảm thụ cái hay cái đẹp từ thiên nhiên và phát triển
văn hóa ứng xử với thiên nhiên.
Hiện nay, sự phát triển
biến đổi của môi trường tự nhiên, của văn minh công nghiệp đòi hỏi văn hóa các
dân tộc biến đổi thích ứng. Nếu không tôn trọng tự nhiên, môi trường sinh thái,
hủy hoại môi trường sống của con người sẽ tác động tiêu cực đến việc bảo tồn,
phát triển văn hóa tộc người.
Toàn cầu hóa, mở cửa, hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước và nền kinh tế thị trường có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa các
tộc người. Tùy theo năng lực lãnh đạo, quản lý phát triển
kinh tế - xã hội của đất nước mà những nhân tố này ảnh hưởng theo chiều tích cực,
hay tiêu cực. Các nhân tố này gây ảnh
hưởng tích cực làm đô thị, công nghiệp phát triển; đời sống vật chất, tinh thần
của các tộc người được nâng cao; vai trò cá nhân có cơ hội bộc lộ, phát triển;
tinh thần dân chủ được mở rộng; giao lưu hợp tác quốc tế sâu rộng. Ngược lại,
khi lãnh đạo, quản lý phát triển kinh tế - xã hội không đúng hướng sẽ gây ảnh
hưởng tiêu cực như làm suy thoái môi trường; giảm sút lối sống cộng đồng, sự ổn
định gia đình, bản sắc văn hóa tộc người; xuất hiện lối sống thực dụng du nhập
vào.
Đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước tác động đến văn hóa tộc người.
Việc hoạch định, thực thi chính sách kinh tế - xã hội và
quan điểm, chính sách dân tộc, trực tiếp là quan điểm phát triển văn hóa của Đảng đúng đắn sẽ góp
phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn, phát triển văn hóa các tộc
người và ngược lại. Khi văn hóa các tộc người được bảo tồn, phát huy sẽ góp phần
đắc lực cho việc văn hóa hóa việc nhận thức, tuyên truyền, thực hiện quan điểm,
đường lối chính trị của Đảng, Nhà nước.
Đời sống tinh thần xã hội, trước hết là tư tưởng, đạo đức, lối sống tác động
đến văn hóa tộc người. Đây là sự tác động biện chứng
nội tại trong nền văn hóa tộc người. Văn hóa, truyền thống các tộc người luôn vận
động, biến đổi, phát triển. Trong di sản văn hóa truyền thống của các tộc người
ở Việt Nam vừa có những giá trị, vừa có những phản giá trị, hủ tục lạc hậu tác
động hai chiều đến bảo tồn, phát triển văn hóa các tộc người. Nâng cao tính
toàn diện, đồng bộ văn hóa tinh thần của các tộc người Việt Nam là nội dung
quan trọng trực tiếp của bảo tồn, phát triển văn hóa tộc người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét