Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Xu hướng của quá trình tộc người ở Việt Nam diễn ra như thế nào?

Quá trình tộc người ở Việt Nam diễn ra theo hai xu hướng chung của quá trình tộc người trên thế giới, nhưng có những nét đặc thù sau:
Cố kết, hòa hợp tộc người là xu hướng chủ đạo diễn ra rộng khắp và mạnh mẽ trong quá trình hình thành, phát triển của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình lịch sử, các tộc người sớm cố kết, hòa hợp để hình thành nên quốc gia dân tộc từ thuở các vua Hùng cách đây hàng nghìn năm. Các tộc người phát huy cao độ tính cố kết, hòa hợp để dựng nước và giữ nước. Đoàn kết, hòa hợp tộc người trở thành giá trị truyền thống và sức mạnh để dân tộc Việt Nam tồn tại, phát triển. Chính sách dân tộc tích cực của nhà nước phong kiến làm cho cố kết, hòa hợp tộc người càng trở nên bền chặt.
Đồng hóa tộc người (cả đồng hóa tự nhiên và đồng hóa cưỡng bức) là xu hướng đã từng diễn ra ở Việt Nam. Trong các thời kỳ lịch sử đều có một bộ phận tộc người thiểu số bị đồng hóa tự nhiên vào tộc người Việt, giữa các tộc người thiểu số cũng có sự đồng hóa lẫn nhau. Có lúc, tộc người Việt cũng bị đồng hóa vào một số tộc người thiểu số (thời nhà Mạc, cuối thế kỷ XVI).
Các thế lực phong kiến phương Bắc, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã thực hiện chính sách đồng hóa cưỡng bức các tộc người ở Việt Nam; nhưng các tộc người đã đoàn kết đấu tranh, bảo vệ sự tồn tại; bảo lưu, phát triển văn hóa của mình. Các tộc người ở Việt Nam không những không bị đồng hóa mà còn biết tiếp thu văn hóa các nước ngoại bang làm phong phú thêm văn hóa tộc người và quốc gia dân tộc.
Xu hướng phân tách tộc người đã và đang diễn ra ở Việt Nam. Quá trình di cư, phân chia tộc người từ Bắc vào Nam, từ Tây sang Đông dẫn đến sự xé lẻ, đan xen tộc người trên phạm vi cả nước. Trong lịch sử, nhiều tộc người đã chia tách thành các nhóm địa phương khác nhau. Có những bộ phận tộc người di cư ra nước ngoài, nhất là sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hiện nay, xu thế phân tán, đan xen tộc người ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước do quá trình hội nhập, giao lưu tộc người mạnh mẽ và tác động của nền kinh tế thị trường..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét