Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

THỦ ĐOẠN XUYÊN TẠC ĐÊ HÈN, XẤU XA

Thời gian qua, đã có rất nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội tung hàng loạt tin giả, xuyên tạc về sức khỏe của Chủ tịch nước Trần Đại Quang gây hoang mang dư luận. Đáng chú ý, Trương Huy San (Osin Huy Đức) còn kích động dư luận với ý đồ phế truất Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi đăng tải bài viết có chủ đích xoáy sâu, bới móc, xuyên tạc theo kiểu “dậu đổ bìm leo”. Thông tin này được tán phát rất nhiều kèm theo những phân tích, bình luận suy diễn hết sức phản động về những cái gọi là “âm mưu chính trị”, “bị quản thúc”, “đấu đá nội bộ”… Tuy nhiên, những hình ảnh trong cuộc gặp mới đây giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Đại sứ Cuba đã đập tan những tin đồn ác ý đó.
Những thông tin trên không chỉ đang cố tình bôi nhọ Chủ tịch nước, mà còn làm xấu đi hình ảnh đất nước, gây ảnh hưởng trực tiếp đến những câu chuyện ngoại giao. Những câu chuyện bịa đặt kiểu này luôn giống như “sở trường” của những đối tượng này, kiểu nào cũng nói được, từ dựng chuyện không thành có, xuyên tạc, vu khống, tung tin giả,… đến gào thét, la lối,… như trước đây có chuyện: Hải Điếu Cày bị công an chặt cụt tay rồi “mọc lại”, Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực một tháng gần chết nhưng vẫn béo quay như thùng phi, Tạ Phong Tần tuyệt thực gần 30 ngày mà không chết, Trương Văn Dũng bị công an “tạt axit” vào mặt nhưng mặt vẫn đẹp, nhiều người chết rồi tự nhiên sống lại,… toàn là những câu chuyện hư cấu “thần thánh” nhờ mạng xã hội để lan truyền. Từ những tin đồn thất thiệt, xuyên tạc sai sự thật gây mất niềm tin của nhân dân, kế đó, bọn chúng sẽ kích động biểu tình, bạo loạn, lật đổ trên mạng  gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đất nước.
Nguyên nhân là vì Việt Nam chưa có hệ thống pháp lý và biện pháp kỹ thuật đủ mạnh để xử lý các đối tượng tung tin bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín và danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức. Chúng ta chưa có quy trình thống nhất, cơ quan có trách nhiệm bảo vệ an ninh mạng thì lại chưa đủ công cụ pháp lý để có thể chủ động triển khai các biện pháp, phương án đấu tranh và bảo vệ phù hợp. Thực tế, nhiều kẻ chuyên viết bài tung tin bôi nhọ người khác đăng trên các trang mạng từ nước ngoài chưa bị xử lý. Hoạt động phạm tội trên không gian mạng ngày càng tinh vi gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưởng đến tư tưởng, văn hóa, xã hội. Xác định, nhận diện đối tượng bảo vệ luôn là bước cực kỳ quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng. Hành vi tán phát thông tin bịa đặt gây tác hại rất lớn, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội và sự bình yên, phát triển của cộng đồng. Hành vi tung tin bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo Nhà nước này đã được một số nước xếp ngang với những nguy cơ đe dọa an ninh lớn cho đất nước. Chính phủ Anh xếp loại tội phạm này ngang hàng với tấn công khủng bố, tấn công bằng vũ khí hóa học.

Vừa qua tại hội thảo Bảo vệ an ninh mạng ngày 25-8 tại Quảng Ninh về hoàn thiện Dự thảo Luật An ninh mạng nhằm đáp ứng nhu cầu đặt ra của thực tiễn đã cho thấy. Nguy cơ bị đánh cắp tài liệu, bí mật nhà nước có thể dẫn đến khả năng thất bại từ bên ngoài trong các cuộc đàm phám ngoại giao, thương lượng khi mọi chủ trương, quyết sách bị các đối tượng hoặc nước ngoài kiểm soát, kết hợp với thủ đoạn tung tin xuyên tạc gây hoang mang và hỗn loạn của nhân dân từ bên trong. Tự do ngôn luận không có nghĩa là thích viết gì, đưa gì, nói gì cũng được, mà tự do ngôn luận càng phải tuân thủ luật pháp, tôn trọng quyền riêng tư của con người. Việc tung hình ảnh, thông tin với mục đích bêu xấu, hạ nhục người khác trên Facebook đã gióng lên hồi chuông báo động. Đã đến lúc cả xã hội và các cơ quan pháp luật phải vào cuộc, đồng thời các chủ nhân của các trang mạng xã hội cũng cần tự nhận thức được các hành vi nguy hiểm khi sử dụng các diễn đàn, mạng xã hội nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, xâm hại đến các quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ. Và quan trọng nhất, ngay lúc này, vẫn là cần phải có 1 chế tài pháp luật đủ mạnh, đủ sức răn đe với những hành vi tương tự như vậy trên không gian mạng. Có như thế mới giảm thiểu được mặt trái của mạng xã hội trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay. Do đó kiểm soát chặt chẽ thông tin mạng, định hướng dư luận, củng cố niềm tin, đoàn kết toàn dân tộc là điều kiện quan trọng, nhằm đấu tranh chống lại những âm mưu xuyên tạc phản động của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét