Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

NGUYỄN ÁI QUỐC LÀ NHÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM ĐẦU TIÊN ĐÃ Ý THỨC ĐƯỢC SỰ CẦN THIẾT PHẢI CÓ ĐẢNG - NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH THẮNG LỢI CỦA SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930) cách đây 88 năm là sự đáp ứng yêu cầu phát triển khách quan của phong trào yêu nước và cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân ta cần thiết có một bộ tư lệnh trung kiên, sáng suốt lãnh đạo, nhằm đưa cuộc đấu tranh của dân tộc chuyển sang một thời kỳ mới, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Mặt khác, sự ra đời của Đảng ta cũng gắn liền với những nỗ lực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức, góp phần đẩy nhanh sự chín muồi khách quan, dẫn tới sự thành lập của Đảng, mở ra bước ngoặt mới, vĩ đại cho cách mạng Việt Nam.
Sự ra đời của các Đảng chính trị là sự phản ánh trình độ trưởng thành nhất định của cuộc đấu tranh giai cấp hay dân tộc, khi các lực lượng chính trị ý thức sâu sắc được mục đích của mình, thấy rõ sự cần thiết phải liên kết lại trong một tổ chức chặt chẽ nhằm thống nhất tư tưởng và hành động để lôi cuốn quần chúng tham gia đấu tranh cho những mục đích mà họ theo đuổi. Ớ châu Âu, các chính đảng tư sản xuất hiện khá sớm, từ cuối thế kỷ XVIII, trong thời kỳ cách mạng tư sản Pháp 1789. Các đảng công nhân xuất hiện muộn hơn, phải trải qua giai đoạn đấu tranh từ tự phát đến tự giác, vượt qua thời kỳ "đồng copec đầm lầy” đến với mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học, xây dựng chính đảng của giai cấp vô sản theo đúng những nguyên tắc về chính trị, tư tưởng, tổ chức của V.I.Lênin để trở thành một đảng mácxít kiểu mới,... đó là cả một quá trình lịch sử lâu dài,từ những năm 30 của thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX.
Ở Việt Nam, theo nhận định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ khi Pháp xâm lược, phong trào yêu nước của Việt Nam phát triển mạnh, nhưng "đó là một sự hỗn hợp giữa chủ nghĩa phản đế, chống công giáo và Cần Vương", mà "không có một tổ chức nào như một đảng"1 . Đúng là trước khi Nguyễn Ái Quốc lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu năm 1925, ở Việt Nam chưa thật sự xuất hiện một tổ chức nào đáng gọi là một chính đảng theo đúng nghĩa của nó.
Năm 1905, sau khi Nhật thắng Nga, ở Việt Nam dấy lên phong trào Đông Duy tiếng là phong trào nhưng không có tổ chức. Duy tân hội chỉ là hữu danh vô thực. Khi Pháp - Nhật cấu kết với nhau trục xuất Phan Bội Châu và số học sinh Việt Nam ra khỏi nước Nhật, thì phong trào cũng tan. Sau Cách mạng Tân Hợi 1911, Phan Bội Châu có lập ra Việt Nam Quang phục hội (tháng 6-1912) với tôn chỉ "đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục Việt Nam, kiến lập Việt Nam Cộng hòa dân quốc". Nhưng như Phan Bội Châu đã tự thừa nhận: Hội "mới lọt lòng mẹ ra, mới thử một tiếng khóc thì đã biết triệu chứng là khó sống lâu rồi” .
Phan Chu Trinh đã viết: "Ngày nay, muốn độc lập, tự do, phải có đoàn thể,..." nhưng ông chỉ mới nói mà chưa làm. Còn Đảng lập hiến (1923) thì như Nguyễn Ái Quốc nhận định "đó không phải là một đảng có tổ chức, mà đơn thuần, một vài nhà trí thức theo kiểu Pháp đặt tên đảng. Những thủ lĩnh của đảng này là những người theo quốc tịch Pháp". Dù sao thì các đảng kiểu đó cũng không thể lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đi đến thành công, bởi nó thiếu một đường lối chính trị và tổ chức đúng đắn chặt chẽ, lại không có cơ sở rộng rãi trong quần chúng, thường chỉ có danh không có thực, nên sớm muộn cũng đều tan rã và thất bại.
Nguyễn Ái Quốc, ngay từ khi về Quảng Châu mở các lớp huấn luyện chính trị, đã đặt vấn đề: "Cách mệnh trước hết phải có cái gì?" và Người khẳng định: "Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công”. Người chỉ ra tấm gương của cách mạng Nga: "Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin".
Như vậy, Nguyễn Ái Quốc không những là người Việt Nam đầu tiên nhận thức được tầm quan trọng và cần thiết phải có đảng lãnh đạo mà còn chỉ ra rằng, đảng đó phải là một đảng kiểu mới, tức là phải khác về chất so với các đảng, các hội chỉ tồn tại trên danh nghĩa trước đây. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét