Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

BIỂU HIỆN CỦA “BỆNH” ÁP ĐẶT TRONG CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ

Cùng với duy ý chí, áp đặt cũng được xem là một biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị. Theo Từ điển tiếng Việt, áp đặt là “dùng sức ép bắt phải chấp nhận”. Như vậy, áp đặt xuất hiện trong các mối quan hệ, khi chủ thể này sử dụng áp lực bắt chủ thể khác phải chấp nhận giá trị, ý kiến, quan điểm, quy tắc, quyết định... của mình. Áp đặt có thể xuất hiện trong quan hệ thứ bậc (cấp trên với cấp dưới), hay trong quan hệ ngang hàng.
Chuyên quyền, độc đoán là một biểu hiện của áp đặt. Ở đây, người lãnh đạo sẽ tập trung hết quyền lực vào tay của mình, luôn ra lệnh và bắt người dưới quyền thực thi mệnh lệnh. Người chuyên quyền, độc đoán thường lấy mình làm thước đo giá trị, không quan tâm đến ý kiến của người khác, bỏ mặc tất cả sự phản đối hay những chê trách của người khác để đạt mục đích của mình. Mặc dù trong một số trường hợp, chuyên quyền, độc đoán có thể đạt được những hiệu quả công việc nhất định, nhưng nó vẫn là nguyên nhân của nhiều sai lầm cũng như những mâu thuẫn trong nội bộ cơ quan, tổ chức.
Sử dụng áp lực để thuyết phục người khác theo ý mình cũng là một biểu hiện của áp đặt. Trong cuộc sống, con người thường muốn thuyết phục người khác về một nhận thức, một giá trị, một cách làm việc… Đó là bản tính muốn chia sẻ của con người. Cố gắng thuyết phục, chia sẻ không phải là áp đặt, nhưng sử dụng áp lực để thuyết phục người khác theo ý mình là áp đặt. Áp lực đó có thể là vật chất hay tinh thần.

1 nhận xét: