Thứ Ba, 11 tháng 12, 2018

BẢN CHẤT CHỦ NGHĨA TƯ BẢN VÀ NHỮNG ĐIỀU CHỈNH, THÍCH NGHI MỚI CỦA NÓ

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản tác phẩm mở đầu chủ nghĩa xã hội khoa học, Mác và Ăngghen đã nhận định: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”. Gần 170 năm đã trôi qua, thế giới đã có những biến đổi to lớn, chủ nghĩa tư bản cũng có nhiều bước phát triển hiện hình với vóc dáng mới của nó, liệu điều tiên đoán trên đây của các nhà kinh điển Chủ nghĩa Mác - Lênin có trở thành sự thật hay không? Và chúng ta có nhận thức như thế nào về quan điểm cho rằng hiện nay chủ nghĩa tư bản đã có sự điều chỉnh, thích nghi, thay đổi về bản chất, là con đường duy nhất để phát triển xã hội loài người mà các học giả tư sản và phần tử cơ hội, biến chất đang hết sức tung hô.
Thứ nhất, những biến đổi từ tình hình thế giới, cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại, kinh tế tri thức, xu thế toàn cầu hóa đã đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi chủ nghĩa tư bản hiện đại phải có những điều chỉnh thích nghi phù hợp, nếu muốn tồn tại và phát triển. Thực tế, những cải cách về quan hệ phân phối, quan hệ quản lý và ở một mức độ nhỏ của quan hệ sở hữu mà giới chủ tư bản đã và đang thực hiện có tạo ra những thay đổi ở trong xã hội các nước nước tư bản, khiến cho đời sống của nhân dân, người lao động của các nước này được nâng cao hơn. Nhưng về bản chất không hề thay đổi địa vị của người lao động trong quá trình sản xuất, dù có trở thành những quản đốc, giám đốc… của các nhà máy và xí nghiệp tư bản, họ vẫn chỉ là những người làm thuê, bị bóc lột sức lao động bằng máy móc và sẵn sàng bị sa thải nếu không đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của ông chủ tư bản, nên đời sống họ luôn bấp bênh.
Thứ hai, chủ nghĩa tư bản hiện nay tuy đã có những điều chỉnh, thích nghi mới, nên vẫn còn tiềm năng phát triển. Nhưng về bản chất đó vẫn là chế độ bóc lột, bởi những cải cách của nó không hề đụng chạm tới quan hệ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, mầm mống của bất công trong xã hội. Vì vậy, mâu thuẫn nội tại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất không những không bị triệt tiêu, mà có mặt còn trở nên trầm trọng nhiều hơn nữa. Biểu hiện là các cuộc biểu tình, bãi công thu hút ngàn ngàn người tham gia thuộc mọi tầng lớp xã hội đã và vẫn đang diễn ra phổ biến ở hầu hết các nước tư bản phát triển. Tiềm năng phát triển của chủ nghĩa tư bản vẫn không thể kéo nó ra khỏi vòng xoáy của các chu kỳ khủng hoảng kinh tế - tài chính của bản thân nó vốn đã diễn ra từ thời Mác và ngày càng có xu hướng tăng lên nhanh chóng.
Thứ ba, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu là một bước thụt lùi lớn của lịch sử loài người. Nhưng không thể vội vàng kết luận chủ nghĩa tư bản đã giành chiến thắng, là con đường duy nhất để nhân loại tiến lên. Thực tế cho thấy, hiện nay chủ nghĩa tư bản vẫn chìm đắm trong các mâu thuẫn, khủng hoảng trầm trọng không thể cứu vãn, những cuộc chiến tranh, xung đột quân sự, dân tộc, giai cấp, khủng bố, tranh chấp… phản ánh mâu thuẫn lợi ích căn bản giữa các tập đoàn người mà chủ nghĩa tư bản không thể điều hòa được. Trong khi đó, từ những bài học thành công và thất bại, chủ nghĩa xã hội đang có những bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ, Việt Nam, Trung Quốc,… đang trở thành những tấm gương sáng cho các nước noi theo. Sự sụp đổ của Liên Xô, Đông Âu chỉ phản ánh bước quanh co, thăng trầm của lịch sử, là sự đổ vỡ của một trong những cách thức xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do đó, con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn còn đó, là một trong những xu hướng tích cực của nhân loại như Đảng ta đã khẳng định: Theo quy luật tiến hóa của lịch sử loài người nhất định sẽ tiến chủ nghĩa xã hội.

1 nhận xét: