Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

BIỂU HIỆN CỦA “BỆNH” DUY Ý CHÍ

Duy ý chí là trạng thái chủ thể quá đề cao ý muốn chủ quan và ý chí của mình trong hoạt động nhận thức và cải tạo hiện thực, coi thường quy luật khách quan, bất chấp những điều kiện khách quan.
Ở tầm vĩ mô, biểu hiện của duy ý chí là đề ra đường lối, chiến lược, sách lược của cách mạng dựa vào mong muốn chủ quan, dựa vào ý chí do nhận thức sai hoặc coi thường quy luật khách quan, không tính đến những điều kiện lịch sử cụ thể trong xây dựng và cải tạo xã hội. Chẳng hạn, trong thời kỳ trước đổi mới, chúng ta đã duy ý chí khi chủ quan trong việc đánh giá những khả năng của đất nước, vì thế mà sinh ra những ảo tưởng về tốc độ cải tạo, phát triển kinh tế, dẫn đến việc đề ra những chỉ tiêu quá cao trong xây dựng cơ bản và phát triển sản xuất. Trong cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội trước đổi mới, chúng ta đã không có được một đường lối, chính sách phát triển kinh tế thận trọng và khoa học dẫn đường, xóa bỏ kinh tế tư nhân, cá thể khi lực lượng sản xuất còn thấp kém, lạc hậu.
Xét trong phạm vi hẹp, cụ thể hơn, biểu hiện của duy ý chí là xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của một đơn vị, tổ chức, cá nhân; ra các quyết định quản lý; lựa chọn phương pháp tổ chức hoạt động thực tiễn theo hướng áp đặt ý chí vào thực tế, lấy ảo tưởng chủ quan thay cho hiện thực, thiếu thực tế, không đủ căn cứ khoa học, không mang tính khả thi, hiệu quả.
Biểu hiện của duy ý chí còn là tình trạng nôn nóng, muốn đốt cháy giai đoạn, bắt thực tiễn khuôn theo ý chí chủ quan của con người, muốn đạt được mục tiêu trong một khoảng thời gian ngắn mà không tính đến những điều kiện khách quan, những nguồn lực để thực hiện.
Duy ý chí còn biểu hiện ở chỗ cường điệu vai trò của nhân tố chủ quan, của yếu tố chính trị trong hoạch định đường lối, chính sách và trong hoạt động thực tiễn; quá đề cao vai trò, nhiệt tình của cá nhân, tập thể, cho rằng dựa vào nhiệt tình của của số đông sẽ đạt được tất cả những gì mong muốn, bất chấp hiện thực, bất chấp những quy luật khách quan đang tác động trong đời sống kinh tế - xã hội, bất chấp những điều kiện khách quan đang chi phối sự hoạt động của cơ quan, tổ chức.

1 nhận xét: