Thứ Ba, 11 tháng 12, 2018

NHẬN DIỆN VỚI CÁC PHẦN TỬ CƠ HỘI, BẤT MÃN CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Hiện nay ở Việt Nam, các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị được sự cổ vũ, hà hơi, tiếp sức của các thế lực xấu, đang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị để phục vụ ý đồ làm rối loạn tư tưởng xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, vị thế và sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đến mục tiêu, lý tưởng ĐLDT và CNXH.
Vì thế, việc nhận diện các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để có biện pháp đấu tranh phù hợp, hiệu quả là vấn đề rất quan trọng và cần thiết. Không nhận diện đúng, không phân biệt rõ hiện tượng và bản chất thì không thể có giải pháp đấu tranh đúng đắn, hiệu quả.
Xem xét một cách tổng quát, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã được Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ ra. Đó là những người có quan điểm, thái độ chính trị thiếu nhất quán, không kiên định, vững vàng; khi cách mạng phát triển thuận lợi thì tỏ ra tích cực, hăng hái; khi cách mạng gặp khó khăn thì dao động, thoái chí, thỏa hiệp, thậm chí phản bội, đầu hàng, quay lại chống phá cách mạng.
Các phần tử này thường núp dưới danh nghĩa đổi mới, cải cách, dân chủ, nhân quyền để mưu đồ lợi ích riêng. Cơ hội chính trị và bất mãn chính trị là hai khái niệm biểu hiện tư tưởng chính trị khác nhau, đều nguy hại, song có quan hệ chặt chẽ với nhau; cơ hội chính trị mang trong nó cả yếu tố bất mãn chính trị; bất mãn chính trị có thể chuyển hóa thành cơ hội chính trị. Các phần tử này đều có xu hướng câu kết với các thế lực thù địch, hoặc bị các thế lực thù địch tìm mọi cách lôi kéo, hỗ trợ, tiếp sức, câu kết nhằm biến thành kẻ phản bội, phản động, đứng hẳn về phía đối lập, chống lại sự nghiệp cách mạng. Có thể khái quát một số dạng cơ hội, bất mãn chính trị ở nước ta, đó là:
- Những người có lập trường tư tưởng chính trị không vững vàng, dễ dao động, thiếu niềm tin, luôn hoài nghi, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do bản chất cơ hội, lập trường mơ hồ, thiếu kiên định, cho nên khi cách mạng gặp khó khăn, bất lợi thì hoang mang, thỏa hiệp, phụ họa theo nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, thù địch, quay lại chống phá cách mạng, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Những người lợi dụng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để mưu cầu lợi ích riêng. Họ thường che giấu mặt thật, ít bày tỏ quan điểm, chính kiến rõ ràng, thái độ chính trị trung dung, thỏa hiệp, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, “dĩ hòa vi quý”, chỉ làm việc có lợi cho bản thân; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng, hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ không trong sáng. Họ lợi dụng chủ trương, chính sách, móc ngoặc với người có chức, có quyền để trục lợi, tiến thân. Họ lợi dụng thiếu sót, sơ hở của chính sách để công kích, chống phá, gây mất đoàn kết nội bộ, làm mất uy tín của Đảng, bôi nhọ, nói xấu chính quyền. Họ lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc với tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước.
- Những người suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, hoặc bị kỷ luật, không kiếm được lợi lộc sinh bất mãn, bị các thế lực thù địch tác động, lôi kéo, mua chuộc. Hầu hết những phần tử này có tham vọng chính trị, chức quyền và khi tham vọng không được đáp ứng thì họ bất mãn. Họ lợi dụng xu thế dân chủ hóa, mạng xã hội, tranh thủ sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch ở nước ngoài dưới các chiêu bài dân chủ, nhân quyền, ráo riết tập hợp lực lượng, từng bước công khai hóa tổ chức chính trị đối lập dưới hình thức hội, nhóm để thực hiện mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
- Những người thực dụng về kinh tế và muốn thể hiện mình trước tổ chức, tập thể. Họ sẵn sàng rẽ theo bất cứ con đường nào miễn là có lợi ích kinh tế lớn hơn; thường tự coi là người có học, hiểu biết, tỏ ra nổi trội, muốn đưa ra “phát kiến” mới, rồi lôi kéo, tổ chức, gây thanh thế. Khi mục đích kinh tế không đạt được, do các nguyên nhân khác nhau mà “phát kiến” không được chấp nhận, hoặc mối quan hệ kinh tế không trong sáng bị phát hiện, ngăn chặn, các phần tử này lập tức thể hiện thái độ chống đối Đảng, chế độ; phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh...
Cần chú ý là các thế lực xấu, thù địch đã và đang ra sức lợi dụng, sử dụng các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị làm lực lượng xung kích, tiên phong để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Và sự chống phá diễn ra trên mọi lĩnh vực, tiến hành một cách kiên trì, có nội dung, phương thức, lộ trình, ngày càng trở nên tinh vi, xảo quyệt, nguy hiểm.
Đấu tranh với các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị là yêu cầu khách quan, thường xuyên, là vấn đề cấp bách, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ, tới sinh mệnh của Đảng. Để đấu tranh với những người cơ hội và bất mãn chính trị có hiệu quả, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, các cấp, các ngành cần đồng thời vào cuộc thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các giải pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cơ chế, chính sách, pháp luật với quyết tâm cao, nhất là của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các tổ chức đảng, chính quyền các cấp.



1 nhận xét: