Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

PHẢI CHĂNG HỌC THUYẾT HÌNH THÁI KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA C.MÁC LÀ SAI LẦM VÀ XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CHỈ LÀ SỰ ẢO TƯỞNG, KHÔNG BAO GIỜ THỰC HIỆN ĐƯỢC?


Từ khi ra đời đến nay, chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng đã luôn bị kẻ thù chống phá quyết liệt. Đặc biệt sau khi chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các quốc gia Đông Âu bị sụp đổ, chủ nghĩa Mác - Lênin đã bị xuyên tạc, bóp méo một cách giáo điều hay cơ hội đủ loại. Có thể dễ dàng thấy chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang điên cuồng bài bác và tung hô luận điệu cho rằng: Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội (HTKT-XH) của C.Mác chỉ là một lý thuyết về chủ nghĩa xã hội không tưởng và xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự ảo tưởng và không bao giờ thực hiện được?
Phải thấy rằng sự vận động, phát triển của nhân loại là bằng chứng rõ ràng chứng tỏ rằng, học thuyết HTKT-XH của chủ nghĩa Mác - Lênin là khoa học, đúng đắn và phản ánh chính xác lịch sử vận động, phát triển tiến bộ của toàn thể nhân loại.
Mọi người đều biết, học thuyết HTKT-XH là cơ sở lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin để tiếp cận nghiên cứu, giải thích, dự báo sự phát triển mang tính lịch sử - tự nhiên của xã hội loài người nói chung, mỗi dân tộc nói riêng, trong đó có sự phát triển của lịch sử Việt Nam. Học thuyết đó đã chỉ rõ: 
- Lịch sử phát triển của loài người là lịch sử phát triển và thay thế nhau của các HTKT-XH, trong đó sự phát triển của các quan hệ sản xuất theo hướng tiến bộ là cơ sở hạ tầng, trên đó xây dựng nên kiến trúc thượng tầng thích hợp. 
- Lịch sử loài người đã và đang trải qua 5 HTKT-XH. Đó là quy luật chung của sự phát triển của xã hội loài người; còn mỗi quốc gia dân tộc có thể bỏ qua một hình thái nào đó trong điều kiện lịch sử của thời đại và dân tộc. Chẳng  hạn, Autralia, các quốc gia Mỹ - Latinh đều bỏ qua HTKT-XH phong kiến trong quá trình phát triển của mình. Việt Nam không trải qua HTKT-XH chiếm hữu nô lệ và HTKT- XH tư bản chủ nghĩa. Việc các quốc gia này bỏ qua một HTKT-XH nào đó không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của họ, mà do các điều kiện lịch sử khách quan quy định.
Như vậy, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ đơn thuần “giải phẫu” các HTKT-XH, mà còn phân tích làm nổi bật lên bản chất và những mâu thuẫn cơ bản trong mỗi HTKT-XH và cuối cùng, dự báo sự thay thế giữa các HTKT-XH từ thấp lên cao hoặc tuần tự hoặc nhảy vọt một cách biện chứng, theo quy luật. Một cách lịch sử - tự nhiên, cũng như từ chế độ cộng sản nguyên thủy nhân loại bước lên chế độ chiếm hữu nô lệ rồi chế độ phong kiến tới chủ nghĩa tư bản, thì sau HTKT-XH tư bản chủ nghĩa ấy phải là một HTKT-XH tiến bộ hơn, đó chính là chủ nghĩa cộng sản. Đó là cái tất yếu lịch sử hợp quy luật mà khoa học mác-xít đã chỉ ra. 
Đặc biệt sau sự kiện chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đổ vỡ, chủ nghĩa xã hội thế giới lâm vào thoái trào, không ít học giả trong và ngoài nước đã tung hô về “cái chết” của chủ nghĩa Mác - Lênin, “sự cáo chung” của chủ nghĩa cộng sản dựa trên học thuyết Mác. Cùng với sự thoái trào của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới là một số hạn chế, yếu kém trong quá trình cải cách, đổi mới ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, sự phát triển, “điều chỉnh”, “thích nghi” của chủ nghĩa tư bản hiện đại... càng làm cho những luận điệu chống phá, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, chủ nghĩa xã hội hiện thực nói riêng có “mảnh đất” để phát triển cả về nội dung và hình thức. Họ đưa ra nhiều căn cứ phủ định chủ nghĩa xã hội và cho rằng: chủ nghĩa xã hội chỉ là ảo tưởng không bao giờ thực hiện được.
          Hẳn là một suy nghĩ hồ đồ
Trước hết phải thấy rõ là:
Thứ nhất, học thuyết Mác về chủ nghĩa xã hội không phải là “hệ thống tự biện”, vì trong khoa học, để tìm ra bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng thì không chỉ nghiên cứu một sự vật, hiện tượng cụ thể mà phải thông qua nhiều sự vật, hiện tượng từ đó tìm ra các thuộc tính chung nhất của nó. Do đó, bất kỳ nghiên cứu khoa học nào cũng cần đến thuộc tính trừu tượng hóa, khái quát hóa. Nghiên cứu lịch sử phát triển nhân loại, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hay những yếu tố cấu thành của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng không thể không trừu tượng hóa những đối tượng ấy. Vấn đề đặt ra là, sự trừu tượng hóa ấy có phản ánh đúng bản chất, quy luật của hiện thực khách quan không. Nếu phản ánh đúng bản chất, quy luật, chúng ta có cơ sở khoa học để dự báo sự vận động phát triển.
Thứ hai, chủ nghĩa xã hội dựa trên học thuyết Mác ra đời xuất phát từ “mảnh đất hiện thực” khách quan dựa trên những điều kiện kinh tế, xã hội cụ thể của châu Âu từ khi chủ nghĩa tư bản ra đời và những tiền đề văn hóa, tư tưởng của nhân loại đạt được trong suốt chiều dài lịch sử cùng với sự thiên tài trong kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã tìm ra được quy luật vận động của xã hội loài người, đặc biệt là quy luật vận động của chủ nghĩa tư bản thông qua ba phát hiện vĩ đại: Học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội, học thuyết về giá trị thặng dư và sau này (như Lênin đã bổ sung) học thuyết về sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân, nghiên cứu “mảnh đất hiện thực” của chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang thời kỳ đế quốc, bộc lộ tất cả các mặt “thối nát” của chúng. Từ đó, các ông đi đến kết luận: “Chủ nghĩa xã hội hiện đại chẳng qua chỉ là sự phản ánh của sự xung đột có thật ấy vào trong tư duy, là sự phản ánh trên ý niệm của sự xung đột ấy, trước hết trong đầu óc của giai cấp trực tiếp chịu đau khổ và sự xung đột ấy, tức là giai cấp công nhân”. Như vậy, chủ nghĩa xã hội: “không cần phải thực hiện một lý tưởng nào cả, mà chỉ cần giải phóng những nhân tố của xã hội mới đã phát triển trong lòng xã hội tư sản cũ đang sụp đổ”.
Như vậy, với học thuyết về HTKT-XH của chủ nghĩa Mác cho chúng ta thấy, chủ nghĩa xã hội (giai đoạn đầu của HTKT-XH cộng sản chủ nghĩa) ra đời là một tất yếu khách quan. Tất yếu này đã được Đảng Bônsêvich Nga do Lênin đứng đầu lãnh đạo tổ chức Cách mạng tháng Mười thành công, lập nên Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thực tế.
Thứ ba, chủ nghĩa xã hội đã và đang là hiện thực của lịch sử nhân loại.
          Sau thắng lợi Cách mạng tháng Mười, dưới sự lãnh đạo của đảng Bônsêvích, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã tiến hành xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đây là bước ngoặt to lớn đánh dấu chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực. Cách mạng tháng Mười đã chứng minh trên thực tế những dự báo của C.Mác và Ph.Ăngghen về tính tất yếu của ra đời HTKT-XH cộng sản chủ nghĩa là có cơ sở khoa học. Nó cũng mở ra cho nhân loại một xu hướng mới về xây dựng xã hội công bằng, bình đẳng, bác ái, đối lập với chế độ áp bức, bóc lột, bất công tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, sự đỗ vỡ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô, không có nghĩa là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội với tư cách một học thuyết cách mạng và khoa học duy nhất đúng trong lịch sử tư tưởng nhân loại, một học thuyết đã vạch đường cho sự giải phóng hoàn toàn, triệt để giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức và cho việc xây dựng một xã hội phồn vinh, công bằng, văn minh thực sự - xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Sự đổ vỡ này là do sai lầm của những người lãnh đạo đứng đầu của Đảng Cộng sản ở các quốc gia nêu trên; thêm vào đó, là sự phản bội của một số kẻ cơ hội bên trong kết hợp với những kẻ thù địch từ bên ngoài. Chúng ta biết rằng, các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, như chính C.Mác từng nhấn mạnh, chỉ là “kim chỉ nam” định hướng cho hành động. C.Mác và Ph.Ănghen đã luôn nhấn mạnh, học thuyết của các ông không phải là “khuôn vàng, thước ngọc”, không phải là cái gì đã “xong xuôi hẳn”, C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đã nhiều lần khẳng định học thuyết của các ông còn nhiều điều các ông chưa có điều kiện, thời gian, cơ hội nghiên cứu. Theo các ông, phát triển lý luận Mác - Lênin là trách nhiệm của các thế hệ kế tiếp sau, của những người mácxít chân chính, nếu họ không muốn trở nên lạc hậu với thời đại của họ.
Thực tiễn cũng chứng minh quá trình hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu rơi vào khủng hoảng, từng bước sụp đổ; đã xuất hiện không ít tư tưởng hoài nghi về mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đứng trước bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam, trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin đã tự vạch ra cho mình mô hình và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện Việt Nam, đồng thời lãnh đạo nhân dân từng bước hiện thực hóa mô hình ấy.
Thực tiễn tổng kết hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tạo những tiền đề quan trọng trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao... Những thành tựu to lớn trên đã chứng tỏ tư duy lý luận về kinh tế của Đảng ta là phản ánh đúng đắn quy luật khách quan và phù hợp với thực tiễn cách mạng của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Điều đó cho thấy, chủ nghĩa xã hội không phải là ảo tưởng mà là hiện thực, hiện thực đó đang ngày càng sinh động ở nước ta; hiện thực đó không phải chỉ những người cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam tự nhận, tự thấy mà được các nước, các tổ chức quốc tế thừa nhận. Hiện thực đó đang là tấm gương cho nhiều quốc gia, dân tộc, nhất là những quốc gia có cùng trình độ phát triển kinh tế - xã hội học tập và noi theo./.

1 nhận xét: