Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT AN NINH MẠNG

Ngày 28/6/2018, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về 7 luật đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua, trong đó có Luật An ninh mạng. Luật An ninh mạng gồm 07 chương, 43 điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, đáng chú ý một số nội dung cơ bản sau:
            Thứ nhất, bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong Luật An ninh mạng. Theo đó, Luật chỉ rõ, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là hệ thống thông tin khi bị sự cố, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt, tấn công hoặc phá hoại sẽ xâm phạm nghiêm trọng an ninh mạng. Từ đó, quy định rõ các biện pháp và hoạt động bảo vệ tương xứng với mức độ quan trọng của hệ thống thông tin này, như: thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát và ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
  Thứ hai, Luật An ninh mạng quy định các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm: phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng; phòng ngừa, xử lý hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; phòng, chống tấn công mạng; phòng, chống khủng bố mạng; phòng, chống chiến tranh mạng; phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng và đấu tranh bảo vệ an ninh mạng v.v…
Thứ ba, Luật An ninh mạng quy định về triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng một cách đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới địa phương, trọng tâm là các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị; quy định rõ các nội dung triển khai, hoạt động kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức; bảo vệ an ninh mạng đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, cổng kết nối mạng quốc tế; bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng; nghiên cứu, phát triển an ninh mạng, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng nhằm bảo vệ an ninh mạng; nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Thứ tư, Luật An ninh mạng quy định rõ, doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ giá trị gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra, phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.
Thứ năm, Luật An ninh mạng quy định các nội dung bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng; xác định lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng chất lượng cao; chú trọng giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức về an ninh mạng và kinh phí cho hoạt động bảo vệ an ninh mạng. Đồng thời, Luật cũng quy định rõ trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Thông tin và Truyền thông; Ban Cơ yếu Chính phủ; Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng trong bảo đảm hoạt động bảo vệ an ninh mạng v.v…
Như vậy, có thể thấy Luật An ninh mạng là đạo luật hàm chứa trong đó các nội dung liên quan đến quy định về phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng. Đây là điều mà các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng để đẩy mạnh “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng Việt Nam. Bởi vậy, việc nghiên cứu, hiểu rõ nội dung Luật An ninh mạng là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng. Nó không chỉ bảo đảm cho việc tham gia hoạt động trên không gian mạng của các cá nhân, tổ chức vừa an toàn, vừa tuân thủ đúng pháp luật, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia – dân tộc mà còn góp phần vô hiệu hóa các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt với mục đích xấu, nhằm gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ, chống đối trong quần chúng nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, về an ninh mạng nói riêng.

2 nhận xét:

  1. Luật An ninh mạng ra đời là rất cần thiết, nó bảo vệ những người sử dụng MXH không bị những thômg tin xấu, độc tiêm nhiễm, người nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm

    Trả lờiXóa