Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

CHĂM LO CHỈNH ĐỐNG ĐẢNG, CHĂM LO ĐẾN TỪNG CON NGƯỜI TRONG “DI CHÚC” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Di chúc của Hồ Chí Minh rất ngắn gọn nhưng hàm chứa rất nhiều tư tưởng quan trọng. Một trong những tư tưởng đó là vấn đề đấu tranh chống cái cũ, xây dựng cái mới. Người căn dặn ngay sau chiến thắng, phải nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, chăm lo chỉnh đốn Đảng và chăm lo đến từng con người; từng bước đấu tranh xóa bỏ tập tục cũ, lạc hậu, xây dựng văn hóa mới.
        Thông thường sau chiến thắng, người ta dễ vui với chiến thắng, mải vui với những gì mà mình đã đạt được trong kháng chiến mà quên đi khó khăn, quên mất những việc cần làm ngay. Nhưng với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì không phải vậy, Người đã căn dặn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên về điều này rất rõ trong Di chúc. Không phải ngẫu nhiên mà vào tháng 5-1968, sau khi xem lại bản thảo Di chúc trước đó, chính Người đã viết  “thấy cần phải viết thêm mấy điểm không đi sâu vào chi tiết.
Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man”.
Trong công việc hàn gắn vết thương chiến tranh thì theo Người, “việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”. Đọc những lời căn dặn này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta lại liên tưởng đến lời nhắc nhở của Người trong tác phẩm Đạo đức cách mạng viết năm 1958: “Loại địch thứ ba là chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp - hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi - để ngóc đầu dậy. Nó là bạn đồng minh của hai kẻ địch kia (chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc; thói quen và truyền thống lạc hậu)”. Nghĩa là Hồ Chí Minh đã nhìn thấy khả năng xuất hiện của chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản trong điều kiện chúng ta giành chiến thắng trước đế quốc Mỹ. Đây không chỉ thể hiện tư duy nhìn xa, trông rộng mà còn thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh chống cái cũ, xây dựng cái mới trong công tác xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để đấu tranh chống kẻ thù thứ ba này có hiệu quả và nâng cao chất lượng chỉnh đốn lại Đảng, Hồ Chí Minh yêu cầu: Thứ nhất, “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Thứ hai, “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Thứ ba, “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Thứ tư, “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Cùng với chỉnh đốn Đảng thì “Đầu tiên là công việc với con người”. Hồ Chí Minh căn dặn, Đảng, Chính phủ sau chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược phải quan tâm từng đối tượng, từng con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình thì Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách cho họ có nơi ăn, chốn ở, dạy nghề thích hợp cho mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sỹ thì xây dựng vườn hoa và đài tưởng niệm ghi sự hy sinh anh dũng để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha, mẹ, vợ, con của thương binh, liệt sỹ mà thiếu sức lao động thì phải giúp đỡ họ. Đối với các chiến sỹ trẻ trong lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong đã được rèn luyện cần lựa chọn bồi dưỡng, đào tạo thành lực lượng chủ lực trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng, Chính phủ cũng phải giúp đỡ phụ nữ để họ trưởng thành, cống hiến. Đối với nạn nhân của chế độ cũ thì Nhà nước vừa giáo dục, vừa giúp đỡ, cải tạo họ trở thành người lương thiện. Đối với đồng bào nông dân, Người đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho đồng bào hỷ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất.
Qua những căn dặn trên trong Di chúc của Người, chúng ta thấy Người mong muốn thay đổi một thói quen, tâm lý cũ - khi chiến thắng kẻ thù thì người ta dễ xuất hiện tư tưởng mải vui với chiến thắng mà quên đi những việc cần làm ngay sau khi kết thúc chiến tranh.

2 nhận xét: