Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

VIỆT NAM KHÔNG “SỢ ĐỐI THOẠI, LẢNG TRÁNH ĐỐI THOẠI”

Đối thoại là phương thức để cung cấp thông tin, giải thích kịp thời cho các giai cấp, tầng lớp và nhân dân về chủ trương, chính sách, pháp luật, chế độ, quy định của Đảng, Nhà nước, địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những bức xúc, bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật để có giải pháp phù hợp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giải quyết những vướng mắc, bất đồng, tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Hoạt động này được người dân đồng tình, ủng hộ, tích cực tham gia và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn có một số người, do bất đồng chính kiến, hậm hực trước những thành tựu mà đất nước đã đạt được trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, không những không thừa nhận những tích cực đó mà còn quy kết: Việt Nam “sợ đối thoại, lảng tránh đối thoại”. Đó là sự quy kết hết sức phiến diện, thiển cận, hoàn toàn sai sự thật. Thực tiễn hoạt động đối thoại ở Việt Nam thời gian qua cho thấy:
            1. Việt Nam luôn coi trọng và tích cực tổ chức đối thoại
Đối thoại là nhằm mục tiêu giảm thiểu bất đồng, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ về nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, cũng như giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những bức xúc trong xã hội để kịp thời giải quyết thỏa đáng. Đồng thời, bác bỏ những thông tin, luận điệu sai lệch, thiếu căn cứ, thậm chí xuyên tạc về tình hình của Việt Nam do các nhóm, cá nhân cực đoan, phản động trong và ngoài nước dựng lên để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Những năm qua, Việt Nam luôn coi trọng hoạt động đối thoại. Điều này đã được Đảng, Nhà nước quy định trong các văn bản như: Quyết định số 218-QĐ/TW năm 2013 của Bộ Chính trị “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; Quy định số 11-QĐ/TW năm 2019 về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Cùng với đó, trong văn bản pháp luật cũng quy định về đối thoại như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định, hằng năm Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức đối thoại công khai với người dân về chính sách, pháp luật và các vấn đề liên quan tại địa phương…
Bên cạnh việc ban hành các văn bản, quy định, Việt Nam đã có nhiều hoạt động cụ thể trong hoạt động đối thoại như: Tích cực tham gia có hiệu quả các Hội nghị đối thoại quốc tế và khu vực, được các nước trên thế giới và khu vực đánh giá cao; Thường xuyên tích cực tổ chức đối thoại ở các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị: Ở cấp Trung ương, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có nhiều cuộc đối thoại với các nhà khoa học, với các doanh nghiệp, công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, trẻ em … Ở địa phương, cơ quan, đơn vị, đã tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân. Hoạt động đối thoại được thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng thu hút đông đảo các giai cấp, tầng lớp và nhân dân tham gia.
2. Nghiêm cấm việc lợi dụng đối thoại để thực hiện những mưu đồ xấu
Đối thoại là rất cần thiết, luôn được Việt Nam quan tâm và tổ chức thường xuyên. Nhưng đối thoại phải trên nguyên tắc bảo đảm tính dân chủ, công khai, khách quan, trung thực, có tính xây dựng vì mục tiêu chung là ổn định và phát triển đất nước; phù hợp với các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và Công ước quốc tế; không được lợi dụng việc đối thoại, góp ý để vu cáo, đả kích, bôi xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và hoạt động của tổ chức, cá nhân, làm phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc đổi mới nội dung, hình thức, tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động đối thoại, cần phải kiên quyết đấu tranh với những quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc về thực tiễn nước ta, cũng như hoạt động đối thoại ở Việt Nam.

2 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nhận biết và đấu tranh mạnh mẽ chống lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam của bọn phản động và các thế lực thù địch

    Trả lờiXóa