Thứ Ba, 15 tháng 10, 2019

VAI TRÒ CỦA CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN VÀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Chủ nghĩa Mác – Lênin không chỉ là hệ thống quan điểm và học thuyết khoa học, kế thừa và phát triển những giá trị của lịch sử tư tưởng nhân loại, trên cơ sở thực tiễn của thời đại, mà còn là khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động và giải phóng con người; đồng thời, là thế giới quan và phương pháp luận phổ biến của nhận thức khoa học.
          Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước tại Việt Nam. Ðảng xác định con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đều nhất quán chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của mình. Hồ Chí Minh khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”. Vì thế, Người không ngừng nghiên cứu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam và từng bước cùng với Đảng lãnh đạo nhân dân ta giành những thắng lợi vẻ vang trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thật vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản được dẫn dắt bởi Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành thành công cuộc cách mạng thần thánh Tháng Tám năm 1945 - lật đổ chế độ phong kiến lỗi thời, đập tan xiềng xích thực dân để giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 02-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, một nhà nước kiểu mới - nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đã ra đời.
Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, nhân dân ta lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp trở lại xâm lược. Tháng 5-1954, với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ta đã làm thay đổi cục diện chiến tranh với Pháp, đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Thế nhưng, đế quốc Mỹ lại nhảy vào miền Nam, thế chân Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Đảng đã lãnh đạo nhân dân một lần nữa trường kỳ, bền bỉ kháng chiến, kiến quốc. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đánh dấu thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ thập niên cuối của thế kỷ XX, trong bối cảnh chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ; chủ nghĩa xã hội và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế lâm vào thoái trào, Việt Nam và một số nước xã hội chủ nghĩa vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Đảng luôn giữ vững bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Để thích ứng với sự phát triển của thời đại, chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới trên cơ sở nhận thức đúng, vận dụng và không ngừng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới. Đảng xác định đổi mới toàn diện đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn; đặt đổi mới tư duy lên hàng đầu để mở đường và định hướng cho quá trình đổi mới; trong đó, đổi mới phát triển kinh tế là trung tâm và đi trước một bước; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; lấy sự ổn định chính trị - xã hội làm tiền đề, làm điều kiện tiên quyết cho sự nghiệp đổi mới và phát triển.
Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đạt những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

2 nhận xét: