Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH LÝ LUẬN PHÁT TRIỂN KINH TẾ Ở NƯỚC TA GIAI ĐOẠN 1986-2000

Đây là giai đoạn đầu hình thành lý luận về phát triển kinh tế ở Việt Nam. Đại hội VI của Đảng (năm 1986) xác định: “Nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đ­ường tiếp theo”. Theo đó, đặt ra yêu cầu phải gắn kết giữa ổn định và phát triển: “Ổn định và phát triển gắn liền với nhau trong quá trình vận động tiến lên, ổn định để phát triển và có phát triển mới ổn định được”. Tầm quan trọng của phát triển kinh tế và mối quan hệ của nó với phát triển xã hội cũng được xác định: “Trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội, nhưng mục tiêu xã hội lại là mục đích của các hoạt động kinh tế”. Như vậy, việc phát triển kinh tế phải đặt trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội.
          Đại hội VII (năm 1991) thông qua Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1991-2000, trong đó, quan điểm phát triển bền vững lần đầu được nêu ra: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường”. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định tại Đại hội VIII (năm 1996) với yêu cầu phải gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội “ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển”.
Năm 1998, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong đó nêu quan điểm: Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Như vậy, trong giai đoạn này, những nét cơ bản của nội dung phát triển kinh tế đã được định hình với các yếu tố tăng trưởng kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Các yếu tố này được đặt trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, trong đó tăng trưởng kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện vật chất để đạt được các yếu tố khác. Đây là nét sáng tạo trong vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin để phát triển kinh tế trong điều kiện chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

2 nhận xét: