Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH LÝ LUẬN PHÁT TRIỂN KINH TẾ Ở NƯỚC TA GIAI ĐOẠN 2001 ĐẾN NAY

Đây là giai đoạn phát triển hệ thống lý luận về phát triển kinh tế ở Việt Nam. Kể từ Đại hội IX của Đảng (năm 2001), công cuộc đổi mới đã đi vào chiều sâu; việc nhận thức về phát triển kinh tế được hướng vào mục tiêu và phương thức thực hiện mang tính thời đại.
         Quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn 2001-2010 là: “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”; “Tăng nhanh năng suất lao động xã hội và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tăng tích lũy cho đầu tư phát triển”. Trong đó, phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững được xem là tư tưởng chỉ đạo quan trọng nhất để tìm tòi, lựa chọn giải pháp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Đại hội XI (năm 2011) rút ra bài học kinh nghiệm: “Phải thực sự coi trọng chất lượng, hiệu quả tăng trưởng và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô”. Đại hội bổ sung vào tư tưởng xuyên suốt trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ tài nguyên, môi trường; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại, có hiệu quả và bền vững, gắn kết chặt chẽ công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ”.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011- 2020 yêu cầu: “Phát triển nhanh phải gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yếu tố xuyên suốt trong Chiến lược”. “Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và phát triển bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội”. Giải pháp để thực hiện Chiến lược là đổi mới mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu....
Đại hội XII (năm 2016), trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm 30 năm đổi mới và tiếp cận xu thế của thời đại, đã đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp hiệu quả giữa phát triển chiều rộng với chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển chiều sâu; nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế...

2 nhận xét: