Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

THÀNH TỰU ĐỔI MỚI LÝ LUẬN VỀ KINH TẾ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Thứ nhất, đã định hình được phạm trù phát triển kinh tế trong hệ thống tri thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những yếu tố cơ bản của nó. Cụ thể là:
          Nhận thức rõ phát triển kinh tế không chỉ đơn thuần là hoạt động của các chủ thể mà còn liên quan mật thiết đến mục tiêu chung, quan trọng của quốc gia; không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề phát triển xã hội. Do đó, Đảng và Nhà nước không thể phó mặc cho cơ chế thị trường, mà phải hoạch định và thực thi chiến lược, chính sách phát triển kinh - tế xã hội nhằm định hướng quá trình phát triển kinh tế đất nước đi theo mục tiêu đã lựa chọn.
Xác định được những thuộc tính, yếu tố cơ bản của phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế không chỉ về lượng mà còn về chất, không chỉ là tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế, mà còn thể hiện qua quá trình hoàn thiện cơ cấu kinh tế, thể chế kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống, trong đó tăng trưởng kinh tế là quan trọng nhất. Đã sử dụng tiền tệ làm thước đo mức độ tăng trưởng nền kinh tế thay cho các ước định trừu tượng ở thời kỳ trước đổi mới. 
Lần đầu tiên đặt phát triển kinh tế trong nội dung phát triển bền vững, trong đó phát triển kinh tế bền vững phải hướng tới tính hiệu quả, đồng thời bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Nhận thức trên, đã đánh dấu bước phát triển trong tư duy của Đảng về phát triển kinh tế của đất nước gắn với yếu tố mới của thời đại.       
Thứ hai, khẳng định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Trước đây, Đảng từng xác định công nghiệp hóa là “nhiệm vụ trung tâm”, nhưng trong thời kỳ đổi mới, Đảng xác định phát triển kinh tế  mới là nhiệm vụ trung tâm và là định hướng lớn để phát triển đất nước. Nhiệm vụ này đặt ra trong bối cảnh hiện nay, lực lượng sản xuất đang đưa nhân loại vào giai đoạn phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ. Con đường phát triển kinh tế của các nước đi sau như Việt Nam không còn giới hạn ở công nghiệp hóa, mà phải tính đến hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức. Trong đó, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, còn CNH, HĐH và kinh tế tri thức là con đường, cách thức cơ bản để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm. Đây là điểm mới trong lý luận về phát triển kinh tế ở Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại mới.    
Thứ ba, hệ thống giải pháp phát triển kinh tế được xác lập và đưa vào sử dụng mang tính thiết thực. Cùng với những nhận thức và quan điểm mới, lý luận của Đảng đã chú ý nhiều tới các giải pháp chiến lược để phát triển kinh tế, bao gồm:
Ổn định mọi mặt tình hình chính trị, kinh tế và xã hội. Trong lý luận của kinh tế học hiện đại, ổn định và phát triển kinh tế là hai mục tiêu tổng quát của kinh tế vĩ mô mà mọi chính phủ đều phải quan tâm. Hai mục tiêu này có tác động tương hỗ với nhau. Ở Việt Nam, từ ngày đầu của công cuộc đổi mới, tri thức lý luận này đã được Đảng ta sử dụng và coi đó không chỉ là mục tiêu, mà còn là một điều kiện, giải pháp để phát triển kinh tế.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải pháp này nhằm phát triển kinh tế thị trường, khẳng định và tạo điều kiện để phát triển các thành phần kinh tế trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài, đổi mới cơ chế kinh tế trên quan điểm kết hợp giữa thị trường và nhà nước, tạo động lực khuyến khích tinh thần kinh doanh của mọi cá nhân, tổ chức.
Mở rộng quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó chú trọng phát triển kinh tế đối ngoại trên quan điểm Việt Nam là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước và các tổ chức kinh tế quốc tế.
Thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và kết cấu hạ tầng, nhất là đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nhằm giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế.

2 nhận xét: