Thứ Năm, 19 tháng 3, 2020

CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH LÀ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Trong những thập niên đầu của thế kỷ XX, hành trình bôn ba tìm đường cứu nước đã đưa Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với con đường cứu nước đúng đắn khi được đọc tác phẩm “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin và khẳng định: 1) “Hỡi đồng bào bị đọa đầy, đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”; 2) “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”; 3) Cách mệnh “trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”; 4) “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt” và “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”; 5) “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng, muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng4) (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hi sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin” và Người đã nỗ lực hoạt động, xúc tiến, chuẩn bị về mọi mặt cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam mùa xuân năm 1930.
Thực tiễn cách mạng nước ta từ khi có Đảng lãnh đạo đã cho thấy, trên nền tảng những nguyên lý lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng sáng tạo, phù hợp điều kiện của Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương, đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn để lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc cách mạng mùa Thu năm 1945, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trước Đại hội VII của Đảng, văn kiện các kỳ Đại hội và Điều lệ Đảng đều khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”. Song từ quá trình nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của tiến trình cách mạng Việt Nam.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh là hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, không chỉ giải quyết vấn đề thuộc về tư duy lý luận mà cao hơn, đó là tư duy hành động, nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn cách mạng Việt Nam đòi hỏi. Tư tưởng của Người được hình thành, phát triển trên cơ sở kế thừa, chọn lọc những tư tưởng, giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, phù hợp với thực tiễn hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam; tiếp thu, tiếp biến và vận dụng sáng tạo tinh hoa văn hóa nhân loại: văn hóa phương Đông, phương Tây mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin. Cơ sở thế giới quan, phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin mà hạt nhân lý luận là chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc; đã nỗ lực xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, với một Đảng phụng sự và liêm chính, Chính phủ liêm kiết và sáng tạo, đội ngũ cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư… Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Người đã “để lại một dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại...; là biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Vì thế, tại Đại hội VI (12/1986), Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đến Đại hội VII (6/1991), Đảng bổ sung điểm mới: “Nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh”; đồng thời, khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam và tư tưởng của Người đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta. Đại hội thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991); trong đó, khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của dân tộc và nhân loại, nắm vững quy luật khách quan và thực tiễn đất nước để đề ra cương lĩnh chính trị đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”. Đây là bước phát triển lớn trong tư duy, nhận thức và hoạt động thực tiễn về nền tảng tư tưởng của Đảng; thể hiện rõ quan điểm nhất quán về mặt tư tưởng: cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận cơ bản cấu thành hệ tư tưởng, thế giới quan, phương pháp luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng trong Cương lĩnh năm 91 không chỉ bảo đảm sự thống nhất nhận thức trong toàn Đảng mà còn thể hiện rõ ý chí kiên quyết đấu tranh đối với những những luận điệu sai trái, thù địch đi ngược lại tư tưởng cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cùng với thời gian, Đảng đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc giá trị to lớn, toàn diện cống hiến vô giá về lý luận, tư tưởng của Người được thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới trong thế kỷ XX chứng thực và khẳng định tại Đại hội IX rằng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”. Tiếp đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động… Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là di sản tư tưởng và lý luận vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.
Thực tiễn những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh rằng: Nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng chính là nhờ sự kiên định, nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển bức thiết của cách mạng Việt Nam và phù hợp với quy luật phát triển của thời đại.

2 nhận xét:

  1. Chủ nghĩa Mac-LêNin và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho mọi hành động; đó là nền tảng tư tưởng của Đảng ta

    Trả lờiXóa