Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020

MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG CỦA MÔ HÌNH KINH TẾ THỊ TRƯỜNG XÃ HỘI Ở ĐỨC

Nền kinh tế thị trường xã hội Đức được xác định bởi các quy tắc cạnh tranh và một hệ thống an sinh xã hội phát triển, phát huy tối đa tự do sáng tạo, tạo nên năng lực kinh tế mạnh gắn liền với tiến bộ xã hội.
 Mô hình này có một số nét đặc trưng sau:
- Hệ thống phúc lợi xã hội và chế độ bảo hiểm được đảm bảo cho toàn dân. Đức thực hiện mô hình an sinh xã hội châu Âu lục địa, cụ thể: (i) bảo đảm phúc lợi cho người dân dựa vào hệ thống bảo hiểm xã hội; (ii) hệ thống phúc lợi hoạt động dựa trên đóng góp tài chính như nhau của cả người lao động và người sử dụng lao động; (iii) quản lý hệ thống bảo hiểm thông qua các quỹ bảo hiểm xã hội, hoạt động độc lập, được quản lý bởi tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động chứ không phải do nhà nước quản lý... Khác với nhiều nước phát triển khác, hệ thống an sinh xã hội Đức không theo mô hình tập trung dưới sự quản lý của Nhà nước, mà là một hệ thống phức hợp bao gồm các cơ quan cung cấp dịch vụ xã hội ở tầm quốc gia và các cơ quan độc lập ở các bang và địa phương. Trong các cơ quan này, một số là của Nhà nước, một số bán công, còn lại do công ty tư nhân quản lý. Các hình thức bảo hiểm xã hội là hạt nhân của hệ thống an sinh xã hội, vì vậy các phúc lợi xã hội gắn liền với vị trí việc làm.
- Nhà nước chú trọng điều chỉnh phân phối thu nhập, đánh thuế cao đối với người giàu để phân phối lại cho người nghèo. Nhà nước thực hiện phân phối thu nhập thông qua nhiều biện pháp khác nhau như đánh thuế thu nhập, chính sách đào tạo…. nhằm tăng cơ hội cho nhóm người có thu nhập thấp, giúp họ có cơ hội tham gia các hoạt động kinh tế cũng như các hoạt động xã hội khác.
- Nhà nước điều tiết, duy trì trật tự kinh tế với phương châm “ít nhà nước nếu có thể, nhiều nhà nước nếu cần thiết”. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, điều tiết hoạt động của nền kinh tế. Nhà nước xây dựng pháp luật và đảm bảo việc thực thi pháp luật; ưu tiên thực hiện các chính sách xã hội và thúc đẩy, kiểm soát tự do cạnh tranh. Nhà nước không can thiệp vào việc hình thành giá cả và lương bổng mà chỉ tạo điều kiện khung cho các quá trình kinh tế phát triển sao cho có hiệu quả cao và đảm bảo công bằng, ổn định xã hội.
- Các công đoàn có sức mạnh trong việc đàm phán tiền lương. Chế độ lương bổng, điều kiện làm việc được thỏa thuận thông qua thương lượng tập thể giữa các nhóm xã hội, trong đó công đoàn đóng vai trò quan trọng, Nhà nước chỉ giữ vai trò trung lập. Hàng năm, công đoàn và các hiệp hội giới chủ tổ chức họp bàn bạc để thống nhất ra quyết định đối với các vấn đề liên quan đến lao động. Hầu hết lao động Đức được trả lương trên cơ sở các thỏa ước tập thể kiểu này. Hình thức trả lương này cũng được thể chế hóa trong luật pháp của Đức. Các tổ chức công đoàn có tiếng nói quan trọng, không chỉ tham gia xây dựng chính sách pháp luật, mà còn trực tiếp đối với doanh nghiệp thông qua các hội đồng người làm công.

2 nhận xét: