Trong những năm qua, để phát huy hơn nữa vai trò nêu gương của
cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, địa
phương, đơn vị, toàn Đảng đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng,
Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05) gắn với Nghị quyết
Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy
lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (Nghị quyết Trung ương 4), Nghị quyết
số 26-NQ/TW khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp
chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” (Nghị quyết
26), với Quy định 101-QÐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Trách
nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”
(Quy định 101), Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Một số việc cần
làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” (Quy định 55)
và Quy định số 08-QĐ/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước
hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung
ương” (Quy định 08)… Có thể nói, việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết,
Quy định này là một giải pháp quan trọng trong công tác giáo dục chính trị tư
tưởng, phòng, chống và ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống, những biểu
hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần rèn luyện nhân cách
của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị các cấp nói chung, các đồng chí
lãnh đạo cấp cao nói riêng, củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự lãnh
đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền.
Được xây dựng trên nguyên lý có xây, có chống và xây trước,
chống sau, kết hợp giữa nói và làm mà điểm cốt lõi là cán bộ giữ chức vụ càng
cao thì càng phải gương mẫu, theo tinh thần của các Chỉ thị, Nghị quyết và Quy
định nêu trên, cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu, trước
hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp
hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu và nêu gương học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kết hợp sự gương mẫu đi đầu trong rèn luyện đạo
đức cách mạng và nâng cao bản lĩnh chính trị của mỗi người, nhất quán giữa nói
và làm, nói trước và gương mẫu làm trước trong mọi mặt công tác và cuộc sống đời
thường tại mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị hay nơi địa bàn cư trú. Việc nêu
gương, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ
lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các ngành, các cấp, lãnh đạo cấp cao phải trở
thành việc làm tự giác, thường xuyên, liên tục theo 8 nội dung “phải gương mẫu
đi đầu thực hiện” và 8 nội dung “phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống”
của Quy định 08.
Cụ thể, “đối với tự mình”, cán bộ, đảng viên có chức vụ
càng cao càng phải gương mẫu; phải nêu gương về đức khiêm tốn, giản dị; tác
phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của
quần chúng, trước hết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú; phải
là tấm gương tự phê bình và phê bình, gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi
cư trú để cấp dưới noi theo; phải kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm,
quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân
dân; kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng,
mưu cầu lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”. Quá trình thực hiện nêu gương của mỗi
cán bộ, đảng viên dựa trên cơ sở các nội dung quy định, nội dung đăng ký thực
hiện gắn với học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán
bộ, đảng viên thực hiện nêu gương bắt đầu từ việc xây dựng nội dung, kế hoạch
và cam kết thực hiện; thể hiện ở tác phong, tinh thần, thái độ, kết quả thực hiện
nhiệm vụ được giao; thể hiện trong quan hệ với cán bộ, đảng viên ở cơ quan, địa
phương, đơn vị, với nhân dân nơi địa bàn cư trú.
“Đối với người phải” được thể hiện bằng hành động
nói đi đôi với làm trong mọi mặt công tác và quan hệ với nhân dân. Trách nhiệm
gương mẫu, tự giác đi đầu, nói trước, làm trước của cán bộ, đảng viên, cán bộ
lãnh đạo quản lý và người đứng đầu phải thể hiện toàn diện trên các mặt tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình, thực hành dân
chủ để xây dựng địa phương, cơ quan, đơn vị đoàn kết, thống nhất. Trong đó, phải
thương yêu, giúp đỡ đồng chí, đồng sự của mình, tạo điều kiện để mỗi người phát
huy sáng kiến, sáng tạo trong công tác, góp phần vào thành tích chung của địa
phương, cơ quan, đơn vị. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện,
cán bộ, đảng viên phải nêu gương tự phê bình và phê bình một cách rõ ràng, thiết
thực, ngay thẳng, thành thật, không nể nang, không thêm bớt trên tinh thần trân
trọng nhân cách con người, trân trọng đồng chí, đồng sự. Theo lời Người thì,
trong công việc cũng như khi tiến hành tự phê bình và phê bình, mỗi cán bộ, đảng
viên “phải có tính đồng chí thương yêu lẫn nhau” và chú trọng “tinh thần nhân
ái và lập trường cách mệnh” để thuyết phục, cảm hóa, tránh dùng lời mỉa mai,
chua cay, đâm thọc. Điều quan trọng của sự nêu gương chính là tự mình soi, tự
mình sửa và luôn “phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật mà ráo riết phê
bình đồng chí mình”, giúp đồng chí mình sửa chữa khuyết điểm và ngày càng tiến
bộ.
“Làm việc phải”chính là nội dung nêu gương thể hiện ở tinh thần
trách nhiệm, tận tụy, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của cán bộ, đảng viên. Trong đó, làm
việc phải có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình, không lạm dụng chức vụ, quyền
hạn trong công tác, nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm, kiên quyết chống
thói nói một đằng làm một nẻo, hứa mà không làm; thường xuyên, nghiêm túc thực
hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám
sát, v.v.. để nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc được giao. Qua đó, góp
phần phòng, chống, đấu tranh để quét sạch chủ nghĩa cá nhân, chống các hiện tượng
chạy quy hoạch, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy thi đua, các biểu hiện
lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền lực để mưu lợi ích cá nhân và nhóm lợi
ích nhằm “vinh thân phì gia” …
Việc triển khai thực hiện sự gương mẫu, nêu gương của đội
ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị các cấp nói chung, các đồng
chí lãnh đạo cấp cao nói riêng đã tạo sự chuyến biến quan trọng từ nhận thức
đến hành động trong rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng, chống và từng bước đẩy
lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong nội bộ. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức
chiến đấu của Đảng, nâng cao chất lượng công tác cán bộ; củng cố niềm tin của
cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của các cấp
chính quyền…
Tuy nhiên, kết quả đạt được trong việc thực hiện các Chỉ thị,
Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, về cán bộ và các Quy định
nêu trên nói chung, nhất là sự gương mẫu, nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng
viên, người đứng đầu nói riêng có nơi, có lúc vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Tính tự giác gương mẫu đi đầu, vai trò nêu gương, thống nhất giữa nói và làm của
một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền chưa thật rõ nét, còn hình thức,
chung chung, chưa tạo sự tâm phục, khẩu phục trong cán bộ, đảng viên và quần
chúng nhân dân.
Thực tế là, đã có không ít cán bộ, đảng viên trong công tác
lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn chỉ dừng lại ở việc hô hào, khẩu hiệu, hình thức,
nói suông trong chương trình, kế hoạch mà không thực hành trong thực tiễn. Ở họ,
chỉ là “nói một đàng, làm một nẻo”, “diễn gương”, “là cơ hội chính trị” chứ
không phải “nêu gương”, không “tiền phong gương mẫu”; thậm chí không ít người
đã suy thoái ở các mức độ khác nhau và vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật.
Thông qua việc nghiêm túc tiến hành kiểm điểm, kiểm tra, giám sát, điều tra,
xét hỏi được thực hiện rộng rãi, những tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm
các quy định của Đảng, Nhà nước đã bị xử lý kỷ luật, không có ngoại lệ, không
có vùng cấm (dù đang đương chức hay đã nghỉ hưu) đúng như Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh
đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu
trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu
hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi,
tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương
chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà
nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”[20].
Thực tế, cấp có thẩm quyền đã kỷ luật một tổ chức đảng, 13 đảng viên thuộc diện
Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, đã có trên
70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật Đảng
và xử lý hình sự.
Trước tình hình trên, trong nhóm các giải pháp quan trọng để
xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh ngang tầm nhiệm vụ, Đảng đặc biệt chú trọng
vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất
là các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Cụ thể là, để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số
26-NQ/TW ngày 19/5/2018 khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp,
nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”
và Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về “Đại hội đảng bộ các
cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, các cấp ủy
Đảng, chính quyền, ban, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cần phải:
Một là, thấu triệt sâu sắc hơn những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh
về nêu gương và học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về
rèn luyện đạo đức cách mạng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tinh thần
nêu gương thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho đội ngũ cán bộ,
đảng viên gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII để mỗi người tự
soi, tự sửa, tự rèn luyện theo 3 chuẩn mực đạo đức cách mạng và nêu gương về đạo
đức cách mạng: “Tự mình phải”, “Đối với người phải”, “làm việc phải”; coi đó là
việc làm thường xuyên, liên tục, nền nếp, là nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng
viên.
Hai là, nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò gương mẫu của
đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi
địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng theo nguyên tắc “trên trước, dưới sau”,
chức vụ càng cao càng phải gương mẫu rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu gương đạo
đức cách mạng trong công việc lẫn đời tư, tại nơi công tác cũng như địa bàn cư
trú. Đồng thời, thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng, Điều lệ Đảng, quy định về những
điều đảng viên không được làm và các quy định về nêu gương… Thông qua đó, nâng
cao tinh thần, ý thức chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp
luật của nhà nước trong mỗi cán bộ, đảng viên và kiên quyết đưa ra khỏi Đảng,
miễn nhiệm, thay thế, buộc từ chức và đưa ra khỏi Đảng đối với những cán bộ, đảng
viên suy thoái, bất liêm, bất chính, tham ô, tham nhũng,v.v.., đã mất uy tín
trong Đảng và trong nhân dân.
Ba là, tiếp tục phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng
viên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và sinh hoạt thường kỳ của chi bộ;
trong đó, xây dựng những chuyên đề cụ thể về nêu gương thực hiện cần, kiệm, liêm,
chính, chí công vô tư; nêu gương về tự phê bình và phê bình; nêu gương trong đảm
nhận việc khó… với những nội dung thiết thực, để nâng cao chất lượng sinh hoạt
chi bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy,
chính quyền, đoàn thể. Thông qua đó, xây dựng tác phong, lề lối làm việc tận tụy
phụng sự nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại các
cơ quan công quyền phù hợp với đặc điểm, tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị
của cơ quan, đơn vị và theo đúng chức năng, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng
viên.
Bốn là, phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào nhân dân để “sửa
chữa cán bộ và tổ chức ta” trong giám sát các cơ quan, tổ chức Đảng và cán bộ,
đảng viên. Tạo cơ chế pháp lý để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là
cán bộ, đảng viên có chức, có quyền các cấp thực hiện Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng,
các quy định về nêu gương trong rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng, chống và
ngăn chặn các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân: cậy quyền, ỷ thế, lạm dùng quyền
trong thi hành công vụ, chấp hành chủ trương, chính sách, quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước tại cơ quan công tác và địa bàn cư trú mà không sợ bị đe
dọa, trả thù, trù úm... Thông qua đó, làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là nâng cao tinh thần trách nhiệm nêu
gương của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở Đảng trở thành việc làm thiết
thực hằng ngày, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Năm là, chú trọng và đổi mới công tác tuyên
truyền, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về thực hiện công tác cán bộ, xây
dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, lựa chọn và xây dựng các
gương cán bộ, đảng viên điển hình trong rèn luyện đạo đức cách mạng: cần, kiệm,
liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân với tinh thần
phụng sự và liêm chính. Nhân rộng những gương điển hình của cá nhân, tập thể, cấp
ủy đó để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, để những bông hoa đẹp sẽ góp phần làm
cho vườn hoa đẹp, rừng hoa đẹp ngày một ngát hương hơn./.
Chúng ta phải thường xuyên chú trọng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh
Trả lờiXóaTư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi toả sáng cho mọi thế hệ học tập và làm theo
Trả lờiXóa