Thứ Hai, 9 tháng 3, 2020

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG PHỤ NỮ

Bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong công tác vận động phụ nữ:
Thứ nhất, kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế làm xuất hiện xu hướng di cư nông thôn về đô thị, làm gia tăng tình trạng già hóa, nữ hóa dân cư nông thôn, do vậy, phương thức vận động phụ nữ phải khác so với trước đây, phù hợp hơn với thực tế này.
Thứ hai, hình thành nhiều khu công nghiệp có đông phụ nữ làm việc, sinh sống, như công nhân nữ của các ngành may mặc, giày da xuất khẩu... kéo theo những vấn đề xã hội liên quan.
Thứ ba, xu hướng ngày càng tăng nhanh các loại hình dịch vụ, với lợi thế và sự tham gia ngày càng nhiều của lao động nữ trong các ngành nghề ở khu vực này. Vì vậy, các chủ thể của công tác vận động phụ nữ cần bám sát, chăm lo, đào tạo lực lượng lao động nữ, không chỉ về đời sống vật chất mà còn phải quan tâm hơn nữa đến đời sống tinh thần của họ.
Thứ tư, xu hướng biến đổi dịch vụ công đang diễn ra khá rõ, trước đây dịch vụ này do Nhà nước quản lý, nhưng hiện nay, một số lĩnh vực đã chuyển giao cho tư nhân; nhiều dịch vụ, gói hợp đồng đầu tư công được chuyển cho thị trường, do đó các cấp Hội có thể đảm nhiệm, tham gia hoặc giám sát các gói hợp đồng đầu tư công, dịch vụ công này.
Thứ năm, mức sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao hơn giai đoạn trước và cùng với đó là sự tăng lên nhu cầu của phái nữ về thời trang, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe... Các cấp Hội cần phát huy hơn nữa vai trò của mình phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, vận động, giám sát các nhà sản xuất, kinh doanh bảo đảm cung cấp các sản phẩm an toàn, không độc hại đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Thứ sáu, phát triển kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa cũng làm xuất hiện xu hướng di dân, di cư xuyên biên giới, xuất hiện tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, mang thai hộ, hành vi bạo lực, xâm hại nhân phẩm của phụ nữ..., đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc bảo vệ các quyền cơ bản của phụ nữ, nhất là tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Hội Liên hiệp Phụ nữ cần thể hiện vai trò, trách nhiệm, phối hợp tích cực với các lực lượng chức năng để tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống hiệu quả các vấn nạn này, bảo vệ phụ nữ, đặc biệt trẻ em gái vị thành niên.
Thứ bảy, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng mang đến các cơ hội và cả những thách thức đan xen nhau, chẳng hạn như cơ hội xuất khẩu lao động gia tăng đối với phụ nữ Việt Nam đi làm điều dưỡng, chăm sóc người già tại nước ngoài, như ở Nhật Bản, Đức..., nhưng cũng đặt ra thách thức với chính thị trường lao động nội địa khi lao động nữ ở các nước khác cũng vào Việt Nam, như nữ giúp việc người Philippines đang ngày càng nhiều ở các gia đình khá giả tại Thành phố Hồ Chí Minh...
Thứ tám, bên cạnh những vùng miền, khu vực phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, vẫn còn có những vùng, những khu vực được coi là “vùng lõm của sự phát triển”. Tại đây, phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số chịu nhiều thua thiệt, như bạo lực gia đình, vấn nạn tảo hôn, lao động không được trả công, không có bảo hiểm (y tế, hưu trí), không được hưởng các chế độ an sinh xã hội, thai sản... Ngay tại các khu đô thị, nhiều phụ nữ cũng là những đối tượng dễ bị tổn thương, chịu nhiều thiệt thòi. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm hơn nữa tới việc chăm sóc, bảo vệ quyền lợi chính đáng, thiết thực của phụ nữ ở các khu vực, vùng miền, nhóm đối tượng này.

2 nhận xét: