Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng 90
năm qua, Đảng ta đúc kết: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng,
là khâu “then chốt của then chốt” trong xây dựng Đảng...
Tuy nhiên thời gian qua đã xuất hiện
một số cán bộ, đảng viên làm việc trì trệ hoặc có địa vị rồi thì không chịu tiếp
tục học tập, rèn luyện, mắc bệnh háo danh, khi bị phê bình thì “tranh công, đổ
tội”, kéo bè cánh… Đây là “vi rút trì trệ”, một biểu hiện của “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa”...
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần cảnh
báo nguy cơ và lên án những “bệnh” thường gặp trong công tác cán bộ. Từ Đường
kách mệnh (năm 1927), đặc biệt là trong Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Người
đề nghị mỗi đảng viên cần hết sức cảnh giác, tránh xa chủ nghĩa cá nhân, coi đó
là “một thứ vi trùng rất độc”. Trong nhiều loại “bệnh” dễ mắc, Người nêu rõ: “Bệnh
hiếu danh” đồng nghĩa với “tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Có khi vì cái
tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm. Đến khi bị công kích, bị phê bình
thì tinh thần lung lay”. Khi tinh thần bị lung lay thì dễ mắc “bệnh” bè phái và
đi đến chia rẽ… Kết quả là dẫn đến tâm lý nghi kỵ nhau, mất đoàn kết nội bộ,
sinh ra lối làm việc “cầm chừng”, “phòng thủ” và một bộ phận cán bộ, đảng viên
coi đây là “thượng sách”.
Đáng lưu ý, những cảnh báo của Chủ tịch
Hồ Chí Minh từ nhiều năm trước vẫn là những bài học còn nguyên giá trị. Nghị
quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn,
đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra các hiện tượng: Không
gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, làm việc qua
loa, đại khái, kém hiệu quả; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, phê phán
người khác với động cơ cá nhân không trong sáng… và coi đây là những biểu hiện
cần kiên quyết ngăn chặn.
Trên thực tế, ở nhiều địa phương, những
hạn chế trong các mặt của công tác cán bộ như nêu trên đang phát tác trên nhiều
lĩnh vực và có tác hại khôn lường đối với sự phát triển của mỗi tổ chức, đơn vị
và cả trên bình diện quốc gia. Trong đó, biểu hiện dễ thấy là cán bộ, đảng viên
khất lần hoàn thành tiến độ công việc được giao; lấy lý do sức khỏe, gia đình để
thoái thác việc khó; đùn đẩy trách nhiệm giữa các cá nhân, bộ phận; dành thời
gian làm việc công để mưu lợi cá nhân; khi có khen thưởng thì “tranh công”, khi
có khuyết điểm thì “đổ tội”... Mới đây nhất, trường hợp Giám đốc Bệnh viện Đa
khoa tỉnh Đắk Nông Trần Thanh Bình; Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mạc
Đĩnh Chi (thành phố Hải Phòng) Nguyễn Thị Xã bị điều chuyển công tác do lơ là
nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút
corona (Covid-19) gây ra là ví dụ điển hình.
Biểu hiện cao độ của sự trì trệ là
nhiều việc đáng lẽ phải được giải quyết ở cấp dưới, nhưng vì cấp dưới, cấp cơ sở
không giải quyết, mà cứ dồn dần lên cấp trên, nên cuối cùng rất nhiều nhiệm vụ
lên đến tận cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Có thể thấy rõ thực trạng này
đã kéo dài nhiều năm trong giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa, thoái vốn
doanh nghiệp nhà nước; việc xử lý các dự án thua lỗ, chậm tiến độ... Mới đây, tại
cuộc họp Thường trực Chính phủ về đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do
Covid-19, tổ chức ngày 12-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh
yêu cầu đồng thời chống 2 loại vi rút là vi rút corona và “vi rút trì trệ”.
Chúng ta có thể hiểu được sự sốt ruột của Thủ tướng, vì tình hình dịch bệnh do
Covid-19 đang rất nóng, không thể chấp nhận tình trạng có những cán bộ không
dám tiến công, không chịu làm việc. Quan trọng là sự trì trệ không chỉ trong
phòng, chống dịch bệnh, mà còn ở các lĩnh vực khác, ảnh hưởng không nhỏ đến sự
phát triển của kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân. Những phản ánh không tốt từ
cộng đồng doanh nghiệp, người dân là dẫn chứng và cần sớm được tẩy trừ...
Chính sự thờ ơ, vô cảm đã làm nảy sinh ra virut trì trệ, thấy tốt không ủng hộ, thấy xấu không lên án, ngại va chạm và tiếp tay cho cái xấu, cái ác nảy nở.
Trả lờiXóaBạn nói quá chuẩn
Xóa