Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

VẤN ĐỀ CÁN BỘ VÀ CÔNG TÁC CÁN BỘ THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Cán bộ có vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Triết lý cán bộ đã được Hồ Chí Minh  khẳng định, là “gốc” của mọi công việc. Công việc tốt xấu đều do cán bộ mà ra. Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như trong các nghị quyết của Đảng ta đều dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác cán bộ. Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII của Đảng xác định: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là then chốt trong then chốt của công tác xây dựng Đảng. Thực tiễn đã chứng minh rõ điều đó và ngày càng phải chú trọng đến công tác cán bộ.
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh đã chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém trong công tác cán bộ, đồng thời đề ra những quan điểm và giải pháp về vấn đề cán bộ mà đến nay những chỉ dẫn ấy vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi.
Trước hết, là việc đào tạo cán bộ cho cách mạng. Vì cán bộ là cái “gốc” của mọi công việc, do đó, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc “gốc” mà Đảng thường xuyên phải chăm lo. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ huấn luyện nghề nghiệp cho cán bộ là khâu đầu tiên. Vì, vô luận cán bộ ở môn nào, làm nghề nào, ngành nào cũng phải học cho thành thạo công việc ở môn ấy; đồng thời, phải nghiên cứu những chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ; học tập những kinh nghiệm thành công và thất bại; học tập lịch sử truyền thống cách mạng và sự phát triển trong từng thời kỳ… Theo đó, việc huấn luyện phải sắp xếp cách dạy và học, kiểm tra kết quả, sao cho cán bộ dần dần đi đến thạo công việc; huấn luyện chính trị, môn nào cũng phải có, cần coi trọng nâng cao kiến thức văn hóa.
Thứ hai, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng phải luôn nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu; trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của Đảng, của đất nước. Đảng phải biết rõ cán bộ, xem xét lại nhân tài và tìm nhân tài mới. Một trong những vấn đề Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, đó là đặt đúng người vào đúng công việc thích hợp. Người nói: “Phải khéo dùng cán bộ”. Tức là, phải biết tùy tài mà dùng người; Phải phân phối cán bộ cho đúng. Tức là phải dùng người đúng chỗ, đúng việc.
Kế thừa sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quan điểm rõ ràng về chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, có lúc, có nơi chưa làm tốt công tác này để xảy ra tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy luân chuyển… bố trí sử dụng sai cán bộ. Vì thế, làm thui chột ý chí của những cán bộ có năng lực, gây nên nhiều hệ lụy trong Đảng và sự bức xúc, bất bình của quần chúng.
Thứ ba, xây dựng cơ chế làm việc cho cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra năm cách. Một là, chỉ đạo - thả ra cho họ làm, thử cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ. Nhưng phải luôn luôn tùy hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, cách thức công tác để phát triển năng lực và sáng kiến. Hai là, luôn bồi dưỡng cán bộ, nâng cao tư tưởng, trình độ lý luận và cách làm việc cho họ. Ba là, thường xuyên kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Bốn là, khi họ sai lầm thì dùng cách thuyết phục giúp họ sửa chữa, cải tạo. Năm là, giúp đỡ họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc. Những điều đó có mối quan hệ rất quan trọng đối với tinh thần của cán bộ và sự thân ái đoàn kết trong Đảng. Đó là những cách làm khoa học, nhân văn sâu sắc rất cần trong đời sống cán bộ và công tác cán bộ hiện nay.
Thứ tư, về chính sách cán bộ, Sửa đổi lối làm việc theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay của cán bộ, đảng viên là hết sức cần thiết. Hơn lúc nào hết, Đảng phải xốc lại đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất về đạo đức chính trị, đủ năng lực về chuyên môn, có lề lối làm việc khoa học mới có thể đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

2 nhận xét: