Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo công
tác cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng “vừa hồng, vừa chuyên”, xứng
đáng với vị trí cầm quyền được lịch sử và nhân dân giao phó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là quy luật
phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh.
Người chỉ rõ: Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt
để sửa chữa cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn, đoàn kết và thống nhất nội bộ
hơn. Nhờ đó, làm cho sự vững mạnh và tiến bộ của Đảng ngày càng tăng thêm. Theo
tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh, việc phê bình và thực hiện tự phê bình vừa
phải nghiêm túc nhưng cũng rất thân ái, “chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay,
châm chọc”. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người. Theo đó, Hồ Chí
Minh nêu lên những căn bệnh mà người cán bộ thường mắc phải trong công việc cần
phê bình, sửa chữa.
Một là, bệnh chủ quan. Đó là chứng bệnh nguy hiểm gây
tác hại lớn cho cách mạng. Nguyên nhân của bệnh chủ quan là do kém hiểu biết về
lý luận, hoặc coi khinh lý luận, hoặc lý luận suông, làm việc chỉ theo kinh
nghiệm của bản thân, không biết khái quát thành lý luận chung, giải quyết công
việc một cách sự vụ, vụn vặt. Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Có kinh nghiệm mà không
có lý luận cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”, rất nguy hại trong công việc của
Đảng, nó biến người cán bộ, đảng viên trở thành những ông “quan cách mạng” vừa
mù quáng, quan liêu, vừa giáo điều, xa rời thực tiễn và xa rời quần chúng.
Hai là, bệnh hẹp hòi. Đây là căn bệnh cũng rất nguy hiểm,
mà nhiều cán bộ và đảng viên vẫn còn mắc phải. Theo Hồ Chí Minh, bệnh này, bên
trong thì ngăn cản Đảng thống nhất và đoàn kết, bên ngoài thì phá hoại sự đoàn
kết toàn dân. Biểu hiện của bệnh hẹp hòi là ham danh vọng và địa vị, tự tôn, tự
đại, kéo bè, kéo cánh, chèn ép những người không ưa mà quên đi mục tiêu chung của
Đảng, gây nên sự lủng củng trong nội bộ, sự mất đoàn kết giữa bộ phận và toàn cục,
đảng viên với Đảng. Cũng vì bệnh hẹp hòi mà bỏ mất nhân tài, bỏ mất sự đoàn kết
với “các hạng đồng bào (như tôn giáo, dân tộc thiểu số, anh em trí thức…)”, dẫn
đến phá hoại chính sách đoàn kết, cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiệp
cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Ba là, bệnh ba hoa. Đây là căn bệnh đến nay vẫn còn khá
phổ biến trong cán bộ, đảng viên mà Đảng ta nhận diện là “nói không đi đôi với
làm” hay “nói một đường làm một nẻo”. Bệnh ba hoa biểu hiện trước hết là nói và
viết dài dòng, rỗng tuếch, dùng chữ cầu kỳ, khó hiểu, không nhằm đúng đối tượng,
quần chúng, không thấu hiểu thực tiễn, cho nên không có tác dụng gì cả.
Như vậy, sửa đổi lối làm việc của Đảng ở các cấp,
trước hết phải đề phòng, sửa chữa các bệnh nêu trên, các bệnh đó vừa là kẻ địch
bên trong vừa là bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài, trong đó kẻ địch bên
trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng
viên phải không ngừng nâng cao cảnh giác, đề phòng các căn bệnh đó, tăng cường
phê bình, tự phê bình, kiểm điểm, sửa chữa như “mỗi ngày phải tự rửa mặt”. Được
như vậy, cán bộ, đảng viên mới không bị “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” và “suy
thoái đạo đức, lối sống”, phấn đấu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Chúng ta phải học tập và rèn luyện theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trả lờiXóaBài viết rất hay
Trả lờiXóa